10 lời khuyên dành cho tân sinh viên

 Là sinh viên đi trước, mình có một vài lời khuyên cho các bạn tân sinh viên, hy vọng những lời khuyên này sẽ giúp ích được cho các bạn sinh viên trong chặng đường đại học của mình.

1. Xác định mục tiêu học tập và công việc

    Trước tiên, hãy xác định cho mình một mục tiêu tổng quát về việc học tập tại trường. Với sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, các bạn có thể tham vấn từ thầy cô và các anh chị đi trước để hiểu rõ hơn về môi trường đại học, con đường mà mình đã chọn cũng như tương lai của việc học. Từ đó xây dựng những mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ phải hoàn thành. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng nên tham khảo các tiêu chuẩn phấn đấu như “sinh viên 5 tốt” ,”đoàn viên ưu tú”…

2. Trang bị, rèn luyện kỹ năng

    Ngay từ những ngày đầu là tân sinh viên còn nhiều thời gian rảnh rỗi, các bạn nên tham gia nhiều lớp học về kỹ năng thực hành xã hội và bắt đầu rèn luyện từng ngày. Các kỹ năng bạn nên trang bị thêm là: làm việc nhóm, giao tiếp, sắp xếp thời gian, chi tiêu, tư duy sáng tạo, tư duy tích cực, hoạch định mục tiêu cuộc đời, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế…

3. Đọc nhiều sách báo

    Ngoài việc tiếp thu các kiến thức trên giảng đường thì các bạn sing viên nên tự đọc sách báo và nghiên cứu thêm những tài liệu liên quan đến ngành học của mình và những thông tin xã hội để từ đó, các bạn có thể trao đổi những điều hay và thú vị với bạn bè, áp dụng những điều hay đó vào việc học tập và sinh hoạt của chính mình. 

4. Học ngoại ngữ

    Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế cho các bạn trong học tập và công việc tương lai. Các bạn sinh viên có thể tham gia học tập tại các lớp tiếng anh tại trường, các trung tâm tiếng anh hoặc tham gia các CLB ngoại ngữ để có thể trau dồi và nâng cao khả năng tiếng anh của mình.

5. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa

    Là sinh viên, bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia các chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tình nguyện như Hiến máu tình nguyện, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh … do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị khác tổ chức. Việc tham gia các hoạt động này không chỉ giúp bạn rèn luyện khả năng làm việc độc lập, tích lũy kinh nghiệm sống, thực hành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng sống mà còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội.

6. Tìm hiểu và tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học mà mình tâm đắc

    Nếu bạn dự định tiếp tục học Thạc sĩ, Tiến sĩ thì NCKH là cơ hội để bạn đặt những bước chân vào thế giới khoa học, còn nếu bạn không dự định học tiếp thì đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị giúp các bạn tìm hiểu sâu về lĩnh vực mình yêu thích, định hình phát triển tư duy khoa học, tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề, rất có lợi cho công việc tương lai. Kiến thức tổng quan và chuyên ngành; kỹ năng làm việc nhóm, thu thập tư liệu, trình bày báo cáo một cách khoa học, thuyết trình… sẽ là những điều mà bạn tích lũy được khi tiến hành đề tài NCKH. Đồng thời, các đề tài NCKH chất lượng cao sẽ được đề cử tham gia các giải thưởng cao hơn từ cấp Đại học Quốc gia, cấp Thành phố đến cấp Bộ Giáo dục – Đào tạo, cấp Nhà nước.

7. Biết cách giải trí và giải trí lành mạnh

    Ngoài việc học, các bạn sinh viên nên tham gia các hoạt động xã hội, tập thể dục hàng ngày, giao lưu với bạn bè, đi du lịch, thưởng thức nghệ thuật … ,điều hòa giữa việc học và giải trí sẽ giảm thiểu được những căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần ý thức được hình thức giải trí lành mạnh, phù hợp, không để tiêu tốn thời gian vào bài bạc, bia rượu, game online và các tệ nạn xã hội khác.

8. Rèn luyện tác phong hiện đại, kỷ luật

    Các bạn sinh viên cần tự ý thức được những nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày như giao tiếp lịch thiệp với mọi người, trang phục lịch sự khi đến trường, thực hiện văn hóa xếp hàng, giữ vệ sinh chung, tiết kiệm điện – nước…; tuân thủ nghiêm túc kỉ luật, các nội quy, quy định

9. Chủ động “săn” học bổng và các cơ hội hỗ trợ học tập

    Có rất nhiều nguồn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các cá nhân, đơn vị cho các bạn sinh viên với các học bổng khuyến khích học tập, học bổng cho sinh viên giỏi, học bổng cho sinh viên khó khăn, học bổng cho sinh viên khuyết tật, học bổng du học nước ngoài. Vì vậy các bạn sinh viên nên chủ động tìm hiểu và nắm bắt các thông tin cần thiết để đăng kí học bổng khi có cơ hội.

10. Làm thêm hợp lý

    Nếu bạn muốn làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, trang trải cuộc sống thì nên có sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đi làm thêm, bạn hãy biết tự đánh giá năng lực của mình để chọn một công việc phù hợp, cũng như biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và việc đi làm. Bạn nên xác định làm thêm để có kinh nghiệm thực tế, sau đó mới tính tới trang trải cuộc sống; không nên vì quá mê kiếm tiền mà bỏ quên mục đích chính là học tập.

“Nguồn: Sưu tầm”