Hoạt động Thực hành Chuyên môn lớp CTXH K14A – Một chương trình đáng nhớ

Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2019 - 2020, Bộ môn Công tác xã hội – Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên dã tổ chức thực hành chuyên môn học phần Công tác xã hội nhóm cho 100 sinh viên ngành CTXH khóa 14 tại xã Bá Xuyên - TP. Sông Công - Thái Nguyên từ ngày 10/6 – 26/7/2019.

 Trong quá trình thực tế tại địa bàn, được sự hỗ trợ của Lãnh đạo UBND xã, BCH Đoàn xã Bá Xuyên, đoàn sinh viên thực hành lớp CTXH K14A đã triển khai mô hình “Ứng dụng mô hình CTXH với nhóm trong thực hành giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em và bảo vệ trẻ em”. Mô hình được ứng dụng tại 3 xóm của xã là: Ao Cang, Chũng Na và Lý Nhân với mục tiêu hỗ trợ và cung cấp cho các em thiếu nhi trên địa bàn 3 xóm những kiến thức, kỹ năng về:  phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống  bạo lực học đường và đặc biệt là phòng, tránh xâm hại trẻ em. Từ đó giúp cho các em có thể bảo vệ chính mình qua các kỹ năng sống cơ bản.

Cuộc thi: “Thiếu nhi thông thái” chính là hoạt động lượng giá của đoàn sinh viên trong chuỗi chương trình họat động thực hành trong mô hình này. Cuộc thi được các bạn sinh viên lớp CTXH K14A tổ chức vào 19h30 ngày 14/7/2019 tại Hội trường Trung tâm văn hóa xã Bá Xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em và sự quan tâm của cộng đồng.

Đến dự với chương trình:

 Về phía địa phương có đ/c Đồng Văn Phong – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cùng các đ/c đại diện cho BCH đoàn xã và các ban ngành của xã.

Về phía Bộ môn CTXH có ThS. Tạ Thị Thảo – Trưởng bộ môn CTXH, ThS. Chu Thị Thu Trang – Phó trưởng BM CTXH cùng toàn thể các thầy cô giáo giảng viên của bộ môn.

Ảnh 1:  Đại biểu của chương trình

Ảnh 2: Sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết của BTC – Tập thể lớp CTXH K14A trước giờ G

Không khí tại Trung tâm văn hóa xã Bá Xuyên ngay từ đầu cuộc thi đã diễn ra hết sức sôi nổi và hào hứng. Các em thiếu nhi đến từ ba xóm: Ao Cang, Lý Nhân và Chũng Na tương ứng với ba đội chơi của cuộc thi. Các đội đã trải qua 4 phần thi:

  • Phần thi số 1: Chào hỏi – Với nội dung: Vận dụng kĩ năng giao tiếp giúp trẻ xây dựng được một màn chào hỏi hấp dẫn nhất, các tiết mục dự thi không giới hạn về các lĩnh vực nghệ thuật. Ở phần thi này, các đội chơi đã đem đến cho chương trình những lời chào, lời chúc, thể hiện cá tính nổi bật từ mỗi đội hết sức nhí nhảnh, tình cảm và đáng yêu,…

Ảnh 3: 15 bông hoa nhí nhảnh và đáng yêu đại diện đến từ ba xóm

  • Phần thi số 2: Vượt chướng ngại vật – Sẽ có 10 câu hỏi, các đội sẽ lựa chọn đáp án đúng và ghi lên bảng, thời gian 10s. Khi có tín hiệu từ MC chương trình, các đội sẽ cùng dơ bảng, mỗi câu trả lời đúng sẽ được cộng 10 điểm. Ở phần chơi này, các đội rất quyết tâm để vượt qua 10 câu hỏi đầy hóc búa của cuộc thi.

Ảnh 4: 3 đội chơi cùng nhau “Vượt chướng ngại vật”

  • Phần thi số 3: Tài năng thiếu nhi – Ngoài sự thông mình, nhanh nhạy, các đội chơi còn có những tài năng riêng. Các đội chơi đem đến cho cuộc thi những màu sặc vô cùng đặc biệt để tạo thêm sự hấp dẫn cho chương trình…

Ảnh 5: Tiểu phẩm tuyên truyền về Phòng, chống bạo lực học đường đến từ đội Lý Nhân

Ảnh 6: Những cô thôn nữ tới từ đội Ao Cang – Tiết mục múa: Cây đa quán dốc

Ảnh 7: Những cô bé, cậu bé cá tính tới từ Chũng Na với: What makes you beautiful

  • Phần thi số 4: Về đích – Phần thi nước rút của chương trình, quyết định đội nào sẽ cán đích, dành giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Ở phần thi này, mỗi gói câu hỏi gồm 2 câu, tương ứng với số điểm như sau: Câu 1 = 10đ và câu 2 là câu hỏi tình huống = 20đ. Ở câu hỏi số 2, câu hỏi tình huống này, BGK sẽ đánh giá điểm theo năng lực và những gì mà đội chơi trả lời được…

Ảnh 8: Cả ba đội chơi với sự chú ý, quyết tâm cao để cùng nhau “Về đích”

Nhìn chung, các đội dự thi đã mang đến cho cuộc thi nhiều phần thi có ý nghĩa giáo dục cao, các tiết mục tiểu phẩm được dàn dựng công phu và sáng tạo, thể hiện sự đầu tư về công sức và trí tuệ của cả các bạn sinh viên và trẻ em ba xóm. Kết quả chung cuộc của cuộc thi như sau:

  • Giải nhất: Đội Ao Cang
  • Giải nhì: Đội Lý Nhân
  • Giải ba: Đội Chũng Na

Ảnh 9: Đội Ao Cang giành giải Nhất với số điểm tổng là 180 điểm

Cuộc thi đã có tác dụng thúc đẩy công tác tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở nông thôn. Qua đó tác động tích cực đến phụ huynh các em về việc bảo vệ các em trước những vấn đề về tai nạn thương tích, xâm hại tình dục và bạo lực học đường. Đồng thời phát huy năng khiếu cho các em, tạo sân chơi lành mạnh và cơ hội giao lưu cho trẻ em của ba xóm. Bên cạnh đó, sinh viên khi trực tiếp tham gia chương trình này đã có cơ hội được trải nghiệm với thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng chuyên môn, định hướng nghề nghiệp – Có lẽ để được sống và trải nghiệm những chương trình thế này chỉ có ở bộ môn Công tác xã hội – TNUS mà thôi.

Sau đây là một số hình ảnh của hội thi:

Ảnh 10: Bài hát: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai – Những chú chim hạc chắp cánh ước mơ

Ảnh 11: Màn song ca đầy tình cảm từ bé Phương Thảo và bạn Thu Nguyệt

Ảnh 12: Quốc Luân – Sinh viên trường ĐHKH với những tiết mục giao lưu

Ảnh 13: Chương trình kết thúc với những niềm vui và nụ cười rạng rỡ

 

Mạnh Nghĩa - Sinh viên lớp CTXH K14A