Đôi điều suy nghĩ về văn hóa đọc của sinh viên

Ngày nay trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, trong đó có các bạn sinh viên. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã đem lại nhiều mặt tích cực, song, bên cạnh đó còn những điều khiến chúng ta phải trăn trở mà một trong những vấn đề đó là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay đang thu hẹp.

Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa?

“Tôi lập kế hoạch đọc hai cuốn sách mỗi tuần”(tác giả)

Có một thống kê đáng buồn là: Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm, đặc biệt là ở đất nước Mặt trời mọc thì đọc sách đã trở thành một nét văn hóa đẹp. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy, văn hóa đọc sách của người dân Việt Nam nói chung, trong đó đội ngũ sinh viên nói riêng là rất hạn chế, mặc dù sinh viên sẽ là thế hệ tương lai của đất nước.

Là một sinh viên đang học tập tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tôi rất ấn tượng với câu nói: “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc đáng sợ, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”. Văn hóa đọc sách trong sinh viên hiện nay đã và đang khiến chúng ta có nhiều trăn trở. Các bạn thờ ơ với sách, không trân quý những giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức trong sách; thậm chí nếu có đọc thì cũng chỉ đọc qua loa, hời hợt không rút ra được giá trị cốt lõi, tinh túy trong cuốn sách vừa đọc… Ngày nay, việc sinh viên đọc sách đã quý, nhưng xây dựng được nghệ thuật đọc lại càng quý hơn. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu đọc sách của từng ngày, từng tháng, ví dụ: mình sẽ đặt mục tiêu là đọc 2 cuốn sách trong một tháng, như vậy một năm mình đã đọc được ít nhất là 24 cuốn sách và cứ duy trì đến khi bạn già đi thì bạn đã hoàn thành một cuốn bách khoa toàn thư của cá nhân bạn. Chắc hẳn con cháu bạn lúc đó sẽ nhìn bạn một cách đầy tự hào vì “cho con một rương vàng, rương bạc không bằng cho con một quyển sách hay”.

Thời gian hữu ích của tôi ở Phòng đọc của Thư viện trường Đại học Khoa học

Nên đọc sách mọi lúc mọi nơi, khi rảnh rỗi chờ xe bus, trước giờ lên lớp, hoặc là trong khi chờ người phục vụ uống cà phê, đi ăn,... Khi đi du lịch lời khuyên của tôi dành cho các bạn là nên có trong ba lô ít nhất một cuốn sách.

Nên lựa chọn cách đọc và loại sách phù hợp để đọc. Tức là, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại sách khác nhau, biết cách định hướng nguồn đầu sách cần thiết cho bản thân trong ma trận sách như hiện nay, đặc biệt phải biết cách vận dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống.

Sách là kho tàng tri thức, chúng ta – những sinh viên Trường Đại học Khoa học hãy giữ gìn phát triển văn hóa đọc sách trong đời sống sinh viên để hội tụ tinh hoa của sách, vững vàng bước chân vào đời, khẳng định là những chủ nhân tương lai của đất nước…!

Nông Sống - SV lớp K12A_KHQL