GV Thu Hường bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ

Sáng ngày 6/4/2014 dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Hữu Trí, tại Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, cử nhân Nguyễn Thị Thu Hường (giảng viên Bộ môn Luật – Khoa Luật và Quản lý xã hội) đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Luật học với đề tài Bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động Việt Nam; chuyên ngành: Luật Kinh tế; mã số: 603850.

Thành phần Hội đồng bảo vệ luận văn gồm có: PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu ( Chủ tịch Hội đồng ) – Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Doãn Hồng Nhung ( Phản biện 1) – Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Hiền Phương ( Phản biện 2) – Đại học Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Xuân Thu ( Ủy viên ) – Văn phòng Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Tiến Vinh ( Thư ký ) – Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng giới là nguyên tắc hiến định, được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp từ trước cho đến nay. Trên cơ sở Hiến pháp, và chủ trương chính sách của Đảng, vấn đề bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực lao động. Trong lĩnh vực lao động, vấn đề bình đẳng giới được ghi nhận trong Luật Bình đẳng giới năm 2006, Bộ luật Lao động năm 1994 và gần đây nhất là Bộ luật lao động năm 2012 và nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Trong Bộ luật lao động hiện hành, nguyên tắc bình đẳng giới là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả quy định điều chỉnh các lĩnh vực như việc làm, học nghề; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương…

Song trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số quy định của Bộ luật lao động năm 2012 chưa phù hợp, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế hay trong quá trình thực hiện, các chủ thể pháp luật còn vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn tồn tại trong lĩnh vực lao động. Xuất phát từ vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu đề tài “Bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động Việt Nam” là phù hợp và cấp thiết.

Luận văn được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn. Từ việc phân tích các quy định của BLLĐ 2012 về bình đẳng giới trong các lĩnh vực việc làm, học nghề; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; tiền lương; bảo hiểm xã hội và kỷ luật lao động; qua đó chỉ ra ưu điểm, nhược điểm, sự phù hợp hay không phù hợp của những quy định này so với pháp luật Quốc tế. Vận dụng những quy định này trong thực tế và đánh giá hiệu quả thực hiện trong 5 năm trở lại đây, luận văn đã đưa ra được những giải pháp có tính khả thi và thực tiễn cao.

Dưới phần trình bày của cử nhân Nguyễn Thị Thu Hường, những đóng góp của luận văn đã được Hội đồng bảo vệ ghi nhận và nhất trí đánh giá với số điểm 9,0. Chúc mừng cử nhân Nguyễn Thị Thu Hường đã bảo vệ thành công luận văn. Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường đã đến tham dự lễ bảo vệ luận văn, cùng chung vui và chia sẻ niềm hạnh phúc với tân thạc sĩ. Hi vọng trong tương lai tân thạc sĩ luật học Nguyễn Thị Thu Hường sẽ tiếp tục phấn đấu nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn nữa những nghiên cứu khoa học của mình cho Bộ môn luật, cho Khoa Luật và Quản lý xã hội, cho trường Đại học Khoa học.

Tin và ảnh: Xuân Quý