Ngành đào tạo: Cử nhân Công tác xã hội

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo ngành Cử nhân Công tác xã hội nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo các sinh viên có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có ý thức và tinh thần phục vụ nhân dân, có tinh thần say mê nghề nghiệp, đồng thời nắm vững hệ thống kiến thức chuyên môn, thành thạo các kỹ năng thực hành nghề nghiệp, có khả năng giải quyết, phát hiện các vấn đề xã hội cũng như tiềm năng ở cộng đồng, huy động và liên kết người dân trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề có liên quan, có khả năng tham gia hay điều hành các dự án phát triển… Đặc biệt, sinh viên có khả năng tiếp cận trực tiếp với các đối tượng tác nghiệp là người dân tộc thiểu số với các kiến thức bổ trợ về ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp, các Cử nhân Công tác xã hội có thể:

- Làm CTXH chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá - xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông...

- Làm CTXH chuyên nghiệp tại các cơ sở và tổ chức thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, cung ứng các dịch vụ, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức xã hội như:

+ Tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng (Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân tập thể, ủy ban dân số...), cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội, trường học, bệnh viện, cộng đồng ở thành thị và nông thôn,  bộ phận nghiên cứu thị trường của các đơn vị kinh tế như các tổng công ty, công ty, nhà máy, xí nghiệp…...

+ Hội bảo trợ xã hội của các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương

+ Trung tâm bảo trợ xã hội

+ Trung tâm giáo dưỡng và phục hồi nhân phẩm, cai nghiện ma tuý, trại cải tạo.

- Tham gia cùng các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn.

- Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội: các viện (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Xã hội học, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Viện Khoa học Pháp lý, Viện Nhà nước Pháp luật, Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng…); các trường Đại học, Cao đẳng, Trung tâm đào tạo nhân viên công tác xã hội…

Tìm hiểu về sinh viên trường ĐHKH: tại đây

Tìm hiểu cựu sinh viên khoa Luật & Quản lý xã hội: Tại đây

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin 2 Tin học đại cương
3 Tư tưởng Hồ Chí Minh 4 Ngôn ngữ Tày Nùng 1
5 Đường lối CM của Đảng CSVN 6 Ngôn ngữ Tày Nùng 2
7 Phương pháp luận NCKH 8 Xã hội học đại cương
9 Pháp luật đại cương 10 Tiếng Việt thực hành
11 Tiếng Anh 1 12 Thống kê xã hội học
13 Tiếng Anh 2 14 Tôn giáo học đại cương
15 Tiếng Anh 3 16 Phương pháp điều tra xã hội học
17 Môi trường và phát triển bền vững 18 Giáo dục thể chất
19 Cơ sở văn hoá Việt Nam 20 Giáo dục quốc phòng
Kiến thức ngành/chuyên ngành
1 Tâm lý học đại cương 2 Truyền thông và vận động xã hội
3 Tiếng Anh chuyên ngành 4 Trợ giúp xã hội
5 Tâm lý học xã hội 6 Pháp luật về các vấn đề xã hội
7 Tâm lý học phát triển 8 Tội phạm học
9 Hành vi con người và môi trường xã hội 10 Nhập môn Công tác xã hội
11 An sinh xã hội và các vấn đề xã hội 12 Lý thuyết công tác xã hội
13 Chính sách xã hội 14 Tham vấn
15 Kỹ năng giao tiếp 16 Công tác xã hội với cá nhân
17 Sức khoẻ cộng đồng 18 Công tác xã hội với nhóm
19 Ngôn ngữ kí hiệu 20 Tổ chức và phát triển cộng đồng
21 Giáo dục kỹ năng sống 22 Quản trị và kiểm huấn trong công tác xã hội
23 Lịch sử văn minh thế giới 24 Công tác xã hội với trẻ em
25 Bảo hiểm xã hội 26 Công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm
27 Dân số và phát triển 28 Công tác xã hội với người cao tuổi
29 Quyền con người và quyền công dân 30 Công tác xã hội với phụ nữ yếu thế
31 Công tác xã hội với dân tộc thiểu số 32 Xây dựng và quản lý dự án
33 Công tác xã hội với gia đình 34 Đạo đức nghề công tác xã hội
35 Công tác xã hội với người khuyết tật 35 Chăm sóc sức khoẻ tâm thần
37 Công tác xã hội học đường 38 Công tác xã hội trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình
39 Thực hành Công tác xã hội I 40 Công tác xã hội với nông thôn – đô thị
41 Thực hành Công tác xã hội II 42 Công tác xã hội với nhóm tội phạm
43 Công tác xã hội trong bệnh viện 44 Công tác xã hội với người nhiễm HIV/AIDS
45 Công tác xã hội với nhóm ma tuý, mại dâm 46 Công tác xã hội với trẻ tự kỷ
47 Công tác xã hội trong các khu công nghiệp 48 Công tác xã hội với trẻ em lao động sớm
49 Hỗ trợ cộng đồng trong trường hợp tai nạn khẩn cấp    
Thực tập tốt nghiệp
Khóa luận tốt nghiệp hoặc học phần thay thế
1 Chính sách xã hội với nhóm yếu thế 2 Công tác xã hội với nạn nhân bị buôn bán
3 Công tác xã hội trong lĩnh vực trẻ em bị xâm hại    

Nội dung một số học phần bắt buộc

Nhập môn công tác xã hội

Cung cấp cho sinh viên một cách có hệ thống những kiến thức về khái niệm, hệ thống lý thuyết, quá trình hình thành, các nguyên tắc hành động, quy điều đạo đức, quan điểm giá trị, tiến trình của công tác xã hội, các phương pháp cơ bản và một số lĩnh vực đặc thù của CTXH.

Học phần gồm những nội dung cơ bản sau:

  • Tổng quan về Công tác xã hội: Khái niệm, mục đích, chức năng, đối tượng của CTXH, phạm vi hoạt động, đặc trưng cơ bản và mối quan hệ giữa CTXH và các ngành khoa học xã hội khác.
  • Lịch sử hình hình thành nghề Công tác xã hội.
  • Nền tảng triết lý và hệ thống lý thuyết ứng dụng trong thực hành CTXH.
  • Quan điểm giá trị và hệ thống quy điều đạo đức nghề CTXH.
  • Phương pháp và kỹ năng cơ bản trong CTXH.
  • Một số lĩnh vực đặc thù của CTXH (CTXH với trẻ em và gia đình, CTXH trong trường học, bệnh viện, CTXH với người khuyết tật,…

Công tác xã hội với cá nhân

Là học phần chuyên ngành cung cấp cho sinh viên những kiến thức về hệ thống lý thuyết và mô hình ứng dụng trong can thiệp, trợ giúp cá nhân; các nguyên tắc hành động, các bước thực hiện trong tiến trình giải quyết vấn đề và đặc biệt là trang bị các kỹ năng, kỹ thuật cần thiết cho người học khi thực hành  phương pháp công tác xã hội với cá nhân thân chủ.                    

Công tác xã hội với nhóm

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức về thực hành công tác xã hội với nhóm thân chủ có cùng vấn đề khó khăn tương đối giống nhau hoặc có liên quan với nhau. Phương pháp này dựa trên sự tương tác của các thành viên trong nhóm, mối tương tác này ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi theo hướng tích cực được NVXH dự kiến trong kế hoạch hành động. Vai trò của NVXH là xây dựng nhóm, giúp điều hoà các vai trò, sự tham gia tích cực của các nhóm viên trong hoạt động của nhóm, đánh giá sự chuyển biến hành vi của từng cá nhân trong nhóm cũng như quá trình phát triển của nhóm.

Công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức về: quan điểm lịch sử về mối quan hệ giữa xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và sự phát triển của quốc gia; thực trạng nghèo đói và vấn đề việc làm ở Việt Nam; các chính sách, chương trình của Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm ở Việt Nam; các phương pháp của Công tác xã hội trong xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.

Tâm lý học xã hội và tâm lý học phát triển

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về:

  • Những vấn đề chung của tâm lý học xã hội.
  • Các hiện tượng tâm lý xã hội và quy luật hình thành tâm lý xã hội.
  • Đặc điểm tâm lý một số nhóm đối tượng đặc biệt.
  • Hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu tâm lý xã hội.
  • Đặc điểm và các giai đoạn phát triển tâm lý của con người.
  • Giới thiệu cơ sở lý luận về trẻ em, sự phát triển tâm lý trẻ và sự phân chia các giai đoạn lứa tuổi con người theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
  • Phân tích các đặc trưng trong sự phát triển tâm lý con người theo lứa tuổi và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý đó.

Công tác xã hội với trẻ em

Học phần cung cấp cho sinh viên một cách có hệ thống những kiến thức cơ bản và cơ sở pháp lý về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; các phương pháp CTXH ứng dụng trong can thiệp, trợ giúp trẻ; các nguyên tắc hành động, các bước thực hiện trong tiến trình giải quyết vấn đề cho trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Bên cạnh đó, học phần còn cung cấp cho sinh viên các kỹ năng cần khi thực hành công tác xã hội với trẻ em; trẻ em bị lạm dụng/xâm hại.

Học phần gồm những nội dung cơ bản sau:

  • Các khái niệm cơ bản về CTXH với trẻ em.
  • Cơ sở khoa học khi làm việc với trẻ em
  • Quyền trẻ em và các cơ sở pháp lý
  • Các nguyên tắc hành động của nhân viên xã hội.
  • Phương pháp, Tiến trình giải quyết vấn đề của trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Công tác xã hội với gia đình

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức chung về công tác xã hội với gia đình gồm có khái niệm và chức năng của gia đình, những vấn đề cần chú trọng trong công tác xã hội với gia đình, những lĩnh vực thực hành của công tác xã hội với gia đình, các cách tiếp cận trong công tác xã hội với gia đình; và tiến trình giải quyết vấn đề gia đình theo cấp độ nhu cầu.

Công tác xã hội với người khuyết tật

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quan về người khuyết tật và công tác xã hội với người khuyết tật; những trải nghiệm khuyết tật về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật và tác động của tình trạng khuyết tật đối với các mối quan hệ và gia đình; thực hành công tác xã hội trong xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng, kế hoạch trị liệu và can thiệp với người khuyết tật.

Hành vi con người và môi trường xã hội

Học phần cung cấp kiến thức chung về hành vi con người và môi trường xã hội; một số lý thuyết cơ bản ứng dụng trong phân tích hành vi con người; các giai đoạn phát triển và mối quan hệ tương tác giữa hành vi con người và môi trường xã hội; vai trò của môi trường văn hoá đối với hành vi của con người; vai trò của nhân viên công tác xã hội với những vấn đề về hành vi con người trong mối tương quan với môi trường xã hội.

An sinh xã hội và các vấn đề xã hội

Học phần trang bị những kiến thức về An sinh xã hội; cơ sở khoa học của an sinh xã hội, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, các vấn đề xã hội nổi cộm trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tìm ra điểm chung của tất cả các nền ASXH khác trên thế giới và đặc thù riêng của Việt Nam. Học phần tập trung vào những nội dung cơ bản:

  • Tổng quan về an sinh xã hội: Vị trí, vào trò của an sinh xã hội, một số khái niệm cơ bản về an sinh xã hội.
  • Lịch sử hình hình thành an sinh xã hội và các vấn đề xã hội.
  • Chứng minh an sinh xã hội là một khoa học: Đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu, cơ sở khoa học, mối quan hệ giữa an sinh xã hội với các lĩnh vực có liên quan.
  • Các bộ phận cấu thành nên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.
  • Tìm hiểu các vấn đề xã hội nổi cộm ở Việt Nam hiện nay và các giải pháp của an sinh xã hội.

Chính sách xã hội

Học phần trang bị những vấn đề lý luận chung về chính sách xã hội, lịch sử hình thành và phát triển của CSXH trên thế giới cũng như sự hình thành và phát triển của CSXH ở Việt  Nam từ thời phong kiến đến nay, những quan điểm trong việc hoạch định, thực thi CSXH và hệ thống CSXH ở Việt Nam, quy trình hoạch định, tổ chức thực thi CSXH. Trang bị cho sinh viên nội dung  một số chính sách xã hội cấp bách hiện nay như chính sách dân số, chính sách lao động và việc làm, chính sách giáo dục – đào tạo, chính sách y tế, chính sách bảo đảm xã hội (gồm Bảo hiểm xã hội, Cứu trợ xã hội và Ưu đãi xã hội), phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội…

Tham vấn

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức chung về tham vấn; mối quan hệ và giá trị đạo đức nghề nghiệp trong tham vấn; phân loại tham vấn; tiến trình tham vấn và kỹ năng tham vấn; nghề tham vấn và sự hình thành nghề tham vấn; kiến thức về tham vấn cá nhân; các lý thuyết, cách tiếp cận, các kỹ năng trong tham vấn cá nhân; kiến thức về tham vấn gia đình; các mô hình can thiệp trong tham vấn gia đình; kiến thức tham vấn nhóm và các công cụ tham vấn nhóm.

Quản trị và kiểm huấn trong công tác xã hội

 Học phần cung cấp kiến thức chung về quản trị và kiểm huấn trong công tác xã hội: mục đích, vai trò của quản trị và kiểm huấn; các yêu cầu, nhiệm vụ và các nguyên tắc hành động của nhà quản trị và kiểm huấn trong công tác xã hội; một số lý thuyết vận dụng trong quản trị và kiểm huấn công tác xã hội; kiến thức quản trị công tác xã hội ở cấp độ nhân viên và cấp độ tổ chức.

Tổ chức và phát triển cộng đồng

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức về lịch sử hình thành tổ chức và phát triển cộng đồng; một số lý thuyết ứng dụng trong phân tích bản chất và đặc trưng của cộng đồng; lý thuyết và các thành tố của phát triển cộng đồng; các phương pháp nghiên cứu tham gia trong cộng đồng; thực hành phát triển cộng đồng: quy trình chung và các cách tiếp cận trong thực tế; xây dựng năng lực tự thực hiện phát triển cộng đồng.

Công tác xã hội với người cao tuổi

Học phần cung cấp kiến thức chung về nhu cầu, các mối quan hệ, các lĩnh vực hoạt động và vai trò của người cao tuổi; tổng quan về người cao tuổi và các chính sách liên quan đến người cao tuổi; những kiến thức chung về công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người cao tuổi; các lý thuyết công tác xã hội ứng dụng trong lĩnh vực hỗ trợ người cao tuổi; một số công cụ làm việc chủ yếu của công tác xã hội với người cao tuổi; một số lĩnh vực công tác xã hội với người cao tuổi.

Công tác xã hội với dân tộc thiểu số

Nội dung học phần cung cấp cho sinh viên các vấn đề cơ bản về nhóm dân tộc thiểu số, các vấn đề mà nhóm người dân tộc thiểu số gặp phải và các nội dung cơ bản về công tác xã hội với nhóm dân tộc thiểu số trên một số lĩnh vực: kinh tế, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát huy nền văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục; tuyên truyền; phổ biến về quyền và nghĩa vụ của nhóm dân tộc thiểu số. Đồng thời sinh viên cũng nắm được nhân viên xã hội làm thế nào để làm việc được với người DTTS và hai bên có thể cộng tác với nhau như thế nào