Ngành Khoa học quản lý: Tăng cường thực tế, thực tập, gắn kết với cơ sở

”Học đi đôi với hành” từ lâu đã trở thành phương châm đào tạo của trường Đại học Khoa học nói chung và bộ môn Khoa học quản lý nói riêng. Trong chương trình đào tạo ngành Khoa học quản lý, thời lượng dành cho thực tế chuyên môn, thực tập tốt nghiệp chiếm một trọng số tương đối lớn (08 tín chỉ, tương đương với 04 tháng thực tập, thực tế tại cơ sở). Với cách tổ chức khoa học và bài bản, chương trình thực tế chuyên môn, thực tập tốt nghiệp được bố trí ở thời điểm khác nhau và yêu cầu chuyên môn khác nhau.

Không chỉ đa dạng hóa hình thức và nội dung thực tập, thực tế, giảng viên bộ môn Khoa học quản lý còn luôn quan tâm hướng dẫn về mặt nội dung báo cáo và sát sao trong việc duy trì kỷ luật đoàn trong thời gian thực tế, thực tập. Trong mỗi đợt thực tập, thực tế, lãnh đạo khoa, bộ môn đều có kế hoạch kiểm tra sinh viên tại địa bàn với phương châm gắn kết giữa nhà trường, khoa, bộ môn với cơ sở, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trong thời gian thực tế, thực tập. Có thể nói đây là nỗ lực không nhỏ của giảng viên bộ môn, vì địa bàn thực tế, thực tập phân tán, khoảng cách địa lý khá xa... Nhưng bù lại, chính sự quan tâm của khoa, bộ môn đến chương trình thực tế, thực tập đã tạo sự gắn kết với cơ sở và nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tế, thực tập. Tất cả những địa phương đoàn đến thực tế đều có ấn tượng tốt đẹp về thầy và trò trường Đại học Khoa học. Hầu hết các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tế, thực tập đều đánh giá cao về cách thức tổ chức và quản lý sinh viên của trường, khoa, bộ môn.

Ông Vũ Thế Quyết – Trưởng phòng Lao động  – Thương binh và xã hội huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh 

(Người hướng dẫn SV Bàn Văn Lợi - lớp KHQL K11 thực tập tốt nghiệp)

Theo lời của Ông Vũ Thế Quyết – Trưởng phòng Lao động  – Thương binh và xã hội huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh “Qua nhiều lần tiếp nhận và quan sát, tôi thấy sinh viên trường Đại học Khoa học không thua kém gì sinh viên các trường khác ở Hà Nội, thậm chí sinh viên của trường còn lễ phép, ý thức hơn. Việc cô giáo đến tận đây để kiểm tra sinh viên thực tập là một điều vô cùng quý giá. Tôi đã tiếp nhận sinh viên ở nhiều trường về thực tập nhưng đây là lần đầu tiên có giáo viên đến cơ quan để kiểm tra sinh viên, cho thấy nhà trường rất quan tâm đến sinh viên”. 

Chúng tôi rất sẵn lòng tiếp nhận sinh viên của trường về thực tập, và tạo mọi điều kiện có thể để sinh viên hoàn thành đợt thực tập với kết quả cao nhất. Đây không phải là lần đầu tiên phòng tiếp nhận sinh viên trường về thực tập, mà đã từ nhiều năm nay năm nào cũng có sinh viên ngành khoa học quản lý về thực tế, thực tập tại phòng, mà mỗi lần tôi lại thấy các em thực hiện báo cáo với những yêu cầu khác nhau, ngày càng đòi hỏi chuyên sâu hơn. Đây là yêu cầu rất tốt để các em ngày càng học hỏi và tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn. Cá nhân tôi rất đồng tình với việc giáo viên xuống địa bàn sinh viên thực tập để kiểm tra, việc này không chỉ nâng cao ý thức cho sinh viên mà còn tăng thêm sự gắn kết với cơ sở, nâng cao uy tín của nhà trường”. Đây là lời nhận xét của Bà Hà Thị Minh Quang trong buổi gặp với giáo viên kiểm tra.

Bà Hà Thị Minh Quang – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội

huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

(Người hướng dẫn SV Bàn Thị Tuyền – lớp KHQL K11 trong đợt thực tế chuyên môn 2)

Không chỉ có cơ hội trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, sinh viên ngành khoa học quản lý có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Thực tế chứng minh, rất nhiều sinh viên đã chọn các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh để thực tế, thực tập và làm việc. Trong đó có những nhật xét cần phải ghi nhận để thầy và trò định hướng nghề nghiệp, như “Lần nào tiếp nhận sinh viên của trường về thực tập tại khách sạn cũng được giáo viên về tận nơi thăm hỏi, kiểm tra, điều này cho thấy sự quan tâm của nhà trưởng đến sinh viên, đến đơn vị. Tôi thấy các yêu cầu của nhà trường đối với sinh viên trong quá trình thực tập tương đối phù hợp với kiến thức mà các em được trang bị, đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, nếu sinh viên được trang bị thêm về vốn ngoại ngữ thì cơ hội việc làm của các em sau này sẽ rộng mở hơn”.

Bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng Nhân sự - Khách sạn Mường Thanh Hạ Long 

Chi nhánh CTCP tập đoàn Mường Thanh

(Người hướng dẫn sinh viên Chu Thị Trang – lớp KHQL K11 thực tập tốt nghiệp)

         Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những ý kiến nhận xét, đánh giá và góp ý về chương trình đào tạo, về nội dung, hình thức tổ chức thực tế, thực tập cho sinh viên của các đơn vị tiếp nhận sinh viên ngành khoa học quản lý về  thực tế, thực tập. Những ý kiến đó phần nào góp phần bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo của ngành nói chung và việc tổ chức hoạt động thực tế, thực tập nói riêng của bộ môn khoa học quản lý. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của hoạt động thực tế chuyên môn, thực tập chuyên ngành trong việc củng cố kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường, đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, gắn lý thuyết với thực tế, gắn nhà trường với với các đơn vị tiếp nhận, sử dụng sinh viên./

Thanh Huyền – GV bộ môn KHQL