Tết Trong Tôi Là (Bài dự thi của Sinh viên Nông Văn Chương - Lớp Công Tác Xã Hội K15)

Tết Mậu Tuất lại đến rồi. Năm nay tôi bận đi học nên không giúp được gia đình nhiều nên đến ngày nghỉ theo lịch của nhà trường là tôi vội về quê ngay để giúp gia đình chuẩn bị đón Tết.

Đến nhà tôi nhanh tay hộ Mẹ dọn dẹp nhà cửa, việc này vô cùng quan trọng để chào đón năm mới sắp đến và chào đón những cái mới vào nhà.

Tôi nấu rượu Tết theo kiểu truyền thống, đây là một phong tục lâu đời được truyền lại cho tới ngày nay, rượu giúp bữa cơm sum họp gia đình thêm ấm cúng hơn, vui vẻ hơn.

Ở quê tôi gói bánh trưng Tết thường là bánh tròn dài, dùng lá dong để gói, vỏ bánh làm bằng gạo nếp mai vàng dẻo lâu, thơm và rất ngon. Nhân bánh nhà tôi thường cho đỗ xanh, thịt ba chỉ được ướp với một chút mắm hạt tiêu…những thứ này hòa quyện vào nhau làm nổi bật lên đặc trưng tính tổng hợp của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Khi gói xong bánh thì nhà tôi thường luộc bánh khoảng 6h-7h để đảm bảo cho bánh chín đều, mềm lâu.

Theo lời người xưa kể lại thì tục dựng cậy nêu ngày Tết để xua đuổi ma quỷ khỏi quẫy nhiễu. Cây nêu làm bằng cây vầu và được dựng vào chiều tối. Trên cây nêu là một bộ quần áo làm bằng giấy, một chiếc bánh đẳng, đốt một nén nhang, hiện nay tục dựng cây nêu ở làng tôi còn được treo thêm một lá cờ nữa, sau đó cây nêu sẽ được dựng ở trước nhà.

Đến 30 Tết gia đình tôi cũng làm mâm cơm cúng Tổ Tiên, tuy sơ sài nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của con cháu đối với các bậc bề trên.

Bữa cơm tất nhiên của gia đình tôi tuy đơn giản nhưng đây là ngày mà gia đình tôi được sum họp đông đủ nhất, được quây quần cùng nhau bên mâm cơm tất nhiên tiễn biệt năm cũ và đón năm mới Mậu Tuất sắp đến thì còn gì quý hơn.

“Mùng 1 là Tết Cha” nên năm nào cũng vậy, gia đình chúng tôi thường đến nhà Ông Nội để chúc tết trước tiên và dùng cơm cùng đại gia đình luôn.

Sau đó gia đình tôi lại đi chơi chúc Tết họ hàng bên Nội

Chiều mùng 1 mọi người lại đi chơi hội Tung Còn. Cây còn là một cây mai khoảng 20m trên ngọn được quấn hình tròn và dán giấy màu đỏ, quả còn gồm dây và túi cát gắn với nhau để đảm bảo sức nặng đủ để tung đâm thủng hình tròn dán trên cây mai. Lễ hội tung còn chính là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực cầu cho mùa màng bội thu, con đàn cháu đống của người dân gốc nông nghiệp.

“Mùng 2 Tết mẹ”. Từ sáng sớm gia đình tôi đã chuẩn bị đồ để đi chúc Tết nhà Ngoại và cũng dùng bữa cơm cùng đại gia đình.

Chiều về mọi người lại đi xem hội kéo Co và Nhảy Bao. Đây là trò chơi nhằm tăng cường sức khỏe và độ dẻo dai, tinh thần đoàn kết của người dân.

Mùng 3 là ngày Tết cuối cùng rồi, nhưng gia đình tôi vẫn cùng nhau đi xem bóng đá ở ngoài Xã. Đây là giải bóng đá Nam và Nữ mà Xã Yên Ninh tổ chức để đón năm mới Mậu Tuất và cũng là nơi để mọi người gặp gỡ chia sẻ tình cảm, tinh thần đoàn kết, hăng say rèn luyện sức khỏe, sức dẻo dai…

Vậy là tất cả các hoạt động vui chơi ngày Tết của gia đình tôi đã kết thúc và mùng 4 là ngày mà gia đình chúng tôi khai xuân, do chúng tôi làm nghề nông nên chủ yếu khai xuân là cày, bừa nhưng hiện đại hơn là dùng máy thay trâu. Cày bừa đầu năm cũng là cầu cho mùa màng bội thu trong những mùa lúa tới…

Tết trong tôi là thế đó. Là những lễ hội mang đậm màu sắc quê hương, là những ngày sum họp của đại gia đình với những lời chúc mừng năm mới chứa đựng biết bao tình cảm của người nông dân thật thà, dễ mến…

Nông Văn Chương

Lớp: Công Tác Xã Hội-K15