Thảo luận nhóm - Phương pháp học hiệu quả

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, đối với đào tạo ở bậc đại học, ngoài giờ lên lớp, các bạn sinh viên có thể sử dụng cùng lúc rất nhiều công cụ học tập khác nhau như giáo trình, tài liệu tham khảo, internet qua laptop hay điện thoại di động để củng cố và làm giàu thêm kiến thức chuyên môn cho bản thân. Song, bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, bản thân người học cần được trang bị thêm những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng làm việc độc lập; kỹ năng tin học…vv. Đó là hành trang rất quan trọng để các bạn sinh viên có thể thích ứng với những yêu cầu khắt khe từ thị trường lao động. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu nhưng đã không thể tìm được việc làm ổn định do thiếu hụt những kỹ năng mềm cần thiết như trên.

Xuất phát từ những lý do đó, chương trình đào tạo ngành cử nhân Khoa học quản lý của Khoa Luật và Quản lý xã hội, Trường Đại học Khoa học đã có sự điều chỉnh, cập nhật hàng năm trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và cựu sinh viên; chương trình học lấy người học làm trung tâm thay vì lấy giảng viên làm trung tâm; tăng cường khối kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn…v.v. Với sự thay đổi mang tính đồng bộ đó, các thầy cô giáo là những người hướng dẫn còn sinh viên đã phát huy khả năng sáng tạo và chủ động từng tiết học. Những giờ thảo luận sôi nổi đã thực sự tạo được dấu ấn trong mỗi sinh viên và thầy cô. Tiêu biểu giờ thảo luận ở một số học phần như Quản trị nguồn nhân lực; Kỹ thuật soạn thảo văn bản; Kỹ năng giao tiếp; Kinh tế học đại cương; Tổ chức học đại cương; Chính sách xóa đói giảm nghèo, Tiền lương và thu nhập; Chính sách phòng chống tệ nạn xã hội..vv. Trong những giờ thảo luận đó, sinh viên được chia thành các nhóm, buộc phải giao tiếp, trình bày quan điểm và phản biện thay vì chỉ ngồi chép kiến thức thụ động như trước đây. Thực tiễn cho thấy, khi làm việc nhóm sinh viên được đưa ra quan điểm cá nhân, phát huy tính sáng tạo trong học tập; kích thích sự hoạt động của não bộ, sinh viên phải suy nghĩ, tư duy để đưa ra nhận định và hướng giải quyết cho từng vấn đề; khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình được nâng cao; thắt chặt tình đoàn kết thầy trò cũng như giữa các bạn sinh viên.

Gần đây, ở môn Chính sách Xóa đói giảm nghèo – một môn học thuộc chuyên ngành Chính sách xã hội, lớp cử nhân Khoa học Quản lý K12 đã có giờ thảo luận hết sức sôi nổi thông qua làm việc nhóm. Nếu như ở những tiết học nặng về lý thuyết các bạn sinh viên có thể cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi thì ở phần thảo luận nhóm các bạn tỏ ra rất hào hứng và nhập cuộc. Trong một tiết học, với 4 nhóm chủ đề khác nhau, 4 nhóm sinh viên đã miệt mài đưa ra ý tưởng của mình trên những khổ giấy A0. Các bạn đã thiết kế những ý tưởng phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhưng không kém phần sáng tạo, sắc xảo. Ở phần thuyết trình cũng không kém phần sôi nổi, chững chạc và tự tin.

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi làm việc nhóm của lớp.

Nhóm 2 với “mô hình trồng cây thảo quả góp phần xóa đói, giảm nghèo ở xã Bum Nưa, Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu”.

 

Nhóm 4 với mô hình giảm nghèo bền vững tại huyện Bát Xát, Lào Cai

Nhóm 1 với mô hình nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách XĐGN tới người nghèo

Đại diện nhóm 2 thuyết trình về “mô hình trồng cây thảo quả góp phần xóa đói giảm nghèo ở xã Bum Nưa, Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu”

Nữ thuyết trình viên đại diện nhóm 2 trình bày “chương trình 30A tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” do nhóm xây dựng.

Đại diện nhóm 3 tự tin trình bày về “mô hình hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội” của nhóm.

Nhóm 1 thể hiện sự khác biệt bằng những hình ảnh biết nói về chủ đề “Biện pháp tuyên truyền nâng cao hiệu quả giảm nghèo”

Kết thúc buổi học, cả thầy và trò đều hài lòng với thành quả từ buổi thảo luận nhóm. Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên mới bước chân vào giảng đường đại học sẽ có phương pháp học mới.