Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2017 của tác giả Nguyễn Thị Linh

 

Ngày 20-9, tại phòng hội thảo trường Đại học Khoa học đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của tác giả Nguyễn Thị Linh, giảng viên bộ môn Khoa học quản lý, Khoa Luật và Quản lý xã hội, chủ nhiệm đề tài. Thành viên của Hội đồng bao gồm chủ tịch hội đồng: TS. Lê Thị Ngân - trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội, Ủy viên hội đồng: PGS.TS Trịnh Thanh Hải - trưởng phòng đào tạo, ThS. Nguyễn Trường Sơn - phó trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, cùng các ủy viên nhận xét, ủy viên thư ký và nhóm tác giả thực hiện đề tài.

Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu

Theo đúng quy trình tiến hành nghiệm thu đề tài, ủy viên thư ký đã công bố quyết định thành lập hội đồng. Sau đó, tác giả chủ nhiệm đề tài đã báo cáo toàn bộ những điểm mới, ma trận câu hỏi, hệ thống nội dung cơ bản và tính ứng dụng trong đề tài nghiên cứu mà nhóm tác giả đã thực hiện.

Ủy viên thư ký công bố quyết định thành lập hội đồng.

Tác giả trình bày về nội dung đề tài nghiên cứu “Cập nhật ngân hàng đề thi trắc nghiệm học phần “Lịch sử tư tưởng quản lý”.

Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao hệ thống câu hỏi thi trắc ngiệm trong ngân hàng đề thi mới cập nhật. Nhìn chung, bộ câu hỏi thi trắc nghiệm “Lịch sử tư tưởng quản lý” được cập nhật của nhóm tác giả bao gồm 400 câu hỏi, được thiết kế theo cấu trúc: 165 câu biết, 147 câu hiểu, 88 câu nâng cao, tương ứng với tỷ lệ: 41.25% biết, 36.75% hiểu và 22% nâng cao đã cơ bản kiểm tra được kiến thức của sinh viên đối với môn học. Hệ thống các câu hỏi trải đều nội dung 12 chương của môn học, trong từng chương nhóm tác giả cũng đã thiết kế được hệ thống các câu hỏi kiểm tra kiến thức của sinh viên theo tỷ lệ biết : hiểu : nâng cao. Đối với một học phần có đặc thù mang yếu tố lịch sử và dung lượng lớn các kiến thức về học thuyết, tư tưởng, quan điểm phức tạp, yêu cầu sinh viên phải nhớ các dữ kiện lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội trong mối tương quan với các học thuyết, quan điểm về quản lý, việc thiết kế cách thức thi kiểm tra đối với sinh viên dưới dạng đề thi trắc nghiệm sẽ giúp các em không phải “học vẹt”, học thuộc lòng nhiều, mà phải hiểu và ghi nhớ nội dung các tư tưởng, lý thuyết quản lý trong mối tương quan với bối cảnh lịch sử của từng thời kỳ.

Các ủy viên nhận xét, góp ý và đánh giá về đề tài

Một số những góp ý, nhận xét của các thành viên trong hội đồng tập trung chủ yếu vào việc thiết kế câu đề dẫn, tăng thời gian thi trên một đề thi từ 40 phút với 40 câu hỏi, nâng lên 60 phút với 40 câu hỏi trên một đề thi như hiện nay. Bên cạnh đó, nhóm các câu hỏi về thông tin tác giả của các học thuyết, nội dung các học thuyết... cũng cần thiết kế hợp lý hơn cho phù hợp với trình độ và nhận thức của người học.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chủ nhiệm đề tài và các ủy viên trong Hội đồng đã thống nhất những nội dung chỉnh sửa cơ bản để đề tài hoàn thiện hơn và có thể đảm bảo áp dụng cho các kỳ thi tới của sinh viên sau khi kết thúc học phần “Lịch sử tư tưởng quản lý”.

(Tin: Cúc Minh, ảnh: Thanh Huyền)