Bắt nhịp với guồng quay công việc, học tập hậu Tết Nguyên đán

 

FacebookTwitterGoogle plus

Bắt nhịp với guồng quay công việc, học tập hậu Tết Nguyên đán

 

Kì nghỉ Tết Giáp Thìn vừa kết thúc, nhiều người đối mặt với “hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài”, đặc biệt là học sinh - sinh viên. Do đó, việc xốc lại tinh thần sau Tết để học tập, làm việc là điều cần thiết.

Khi nghỉ ngơi cũng là… áp lực

“Hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài” (post-holiday anxiety) là tình trạng tâm lý uể oải, chán nản, khó bắt nhịp với guồng quay công việc sau kì nghỉ. Hiện tượng này ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, lao động.

Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần tại Hoa Kỳ (NAMI), 64% những người mắc bệnh tâm thần cho biết, kỳ nghỉ lễ khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn. Cũng theo TS. Eileen Kennedy-Moore, nhà tâm lý học lâm sàng có trụ sở tại Princeton, New Jersey (Hoa Kỳ): “Sự dừng đột ngột của các hormone căng thẳng sau một sự kiện trọng đại hoặc đơn giản là ngày lễ, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý của chúng ta”. 

"Hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài" ảnh hưởng đến tinh thần học tập, làm việc - Ảnh: Freepik
"Hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài" ảnh hưởng đến tinh thần học tập, làm việc - Ảnh: Freepik

Giải thích về “hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài”, TS. Nguyễn Văn Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần (MHRS), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) cho biết: “Sự giảm sút lượng adrenaline (chất dẫn truyền thần kinh) là nguyên nhân chính. Trước dịp lễ Tết, sự mong đợi sẽ giải phóng một lượng lớn dopamine trong não chúng ta. Bên cạnh đó, ăn thực phẩm có đường cũng giải phóng dopamine, chất này tiếp tục kích thích trung tâm khoái cảm của não. Khi kì nghỉ Tết kết thúc, mức độ dopamine này sẽ sụt giảm rõ rệt khiến bộ não của chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc suy sụp về cảm xúc”. 

TS. Nguyễn Văn Tường cho rằng sự sụt giảm dopamine và serotonin sau Tết là nguyên nhân của 'Hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài"- Ảnh: NCC
TS. Nguyễn Văn Tường cho rằng sự sụt giảm dopamine và serotonin sau Tết là nguyên nhân của 'Hội chứng uể oải sau kì nghỉ dài"- Ảnh: NVCC

Thầy nhận định, sự tương phản của những trải nghiệm trước và sau kì nghỉ sẽ gây ra những phản ứng cảm xúc bất lợi. Tâm lý vui chơi “buông lơi ngày tháng” trong dịp Tết góp phần làm thay đổi đồng hồ sinh học. Điều này khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và chậm chạp. 

Như vậy, sau một sự kiện lớn, hoặc một kì nghỉ dài ngày như kì nghỉ Tết, sự sụt giảm đột ngột của dopamine và serotonin (hai loại hormone giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu) sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý của chúng ta” - TS. Nguyễn Văn Tường kết luận. 

Chia sẻ cảm xúc khi quay lại với việc học, bạn Nguyễn Thanh Trúc - sinh viên năm 3, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM bộc bạch: “Năm nay kì nghỉ Tết của Trường bao gồm hai tuần học online nên tâm lý học tập của mình thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc ở nhà khá lâu khiến cho việc quản lý thời gian sau Tết có đôi phần chểnh mảng. Những ngày học đầu tiên, mình thấy khá uể oải và khó bắt đầu”.

Giống với Thanh Trúc, bạn Nguyễn Minh Huy - Sinh viên năm 4 khoa Công tác Xã hội cho hay: “Cảm xúc trong mình đọng lại một chút luyến tiếc khi nghĩ về khoảng thời gian tận hưởng Tết cùng gia đình ở quê. Như nhiều bạn trẻ, mình nhớ về dư vị của Tết và gặp chút khó khăn trong việc xốc lại tinh thần vào đầu năm”. 

Xốc lại tinh thần, để không bần thần sau Tết

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Tú - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, để dễ dàng xốc lại tinh thần sau dịp Tết, mỗi cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ cần có lí tưởng sống và tự thiết lập mục tiêu để phát triển bản thân trong năm mới. Cô cho biết, sự cho đi và tinh thần yêu thương, kết nối với thế giới góp phần tạo ra hormone oxytocin (hormone hạnh phúc) - một yếu tố cần thiết trong việc “xốc” lại tinh thần. 


TS. Nguyễn Thị Thanh Tú cho rằng sinh viên cần có những người bạn cùng chí hướng để thúc đẩy nhau đi lên - Ảnh: NVCC

Trên hành trình phát triển, bạn trẻ cần có những người bạn đồng hành chất lượng để cùng sẻ chia, học hỏi lẫn nhau và cùng tiến bộ. “Bên cạnh đó, thầy cô và Nhà trường sẽ là những nhân tố bên ngoài hỗ trợ sinh viên trong việc bắt nhịp với chương trình học sau Tết” - TS. Nguyễn Thị Thanh Tú nhấn mạnh. 

Cụ thể, TS. Lê Thị Mai Liên - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cho hay: “Trước hết, sinh viên cần tự tạo cho mình một câu nói tích cực với bản thân để thúc đẩy động lực (Positive self-talk). Ví dụ như: Mình có thể làm được kể từ hôm nay; Hết tết rồi, giờ cần tập trung vào bắt tay vào việc học, phát triển bản thân trong năm mới”. 

Theo TS. Lê Thị Mai Liên, sinh viên cần tự tạo động lực và tự vạch ra kế hoạch trong năm mới - Ảnh: Việt Dũng
Theo TS. Lê Thị Mai Liên, sinh viên cần tự tạo động lực và tự vạch ra kế hoạch trong năm mới - Ảnh: Việt Dũng

Gợi ý phương pháp lên kế hoạch, cô chia sẻ tiêu chí S.M.A.R.T gồm 5 thành phần: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế), Time-bound (Khung thời gian). Dựa trên các tiêu chí này, sinh viên có thể thiết lập mục tiêu một cách hiệu quả.

Thiết lập sơ đồ S.M.A.R.T thực hiện mục tiêu hiệu quả - Ảnh: FieldCheck
Thiết lập sơ đồ S.M.A.R.T thực hiện mục tiêu hiệu quả - Ảnh: FieldCheck

Mặt khác, hội chứng FOMO (Fear of missing out - Hội chứng sợ bỏ lỡ) cũng là nguyên nhân khiến việc xốc lại tinh thần sau Tết diễn ra chậm hơn, cô Mai Liên cho biết. Để khắc phục, bạn trẻ cần hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ để tránh sao nhãng và chú ý đến các hoạt động thể chất, chế độ dinh dưỡng, đồng hồ sinh học…

Bên cạnh đó, để gia tăng khả năng tập trung và tìm cảm hứng học tập, cô khuyến khích sinh viên dọn dẹp, trang trí lại không gian học tập hoặc đến những nơi yên tĩnh như cafe sách, thư viện. Ngoài ra, bạn trẻ có thể sử dụng các ứng dụng như: Podomoro hoặc Forest để rèn luyện sự tập trung cao độ.

“Chạy đà” trước guồng quay công việc

Khác với nhiều người, thay vì dành thời gian vui chơi dịp Tết, bạn Danh Minh Hòa - sinh viên năm 4, khoa Báo chí và Truyền thông đã dành phần lớn thời gian cho việc học tập, làm việc và tham gia các hoạt động tại Trường. Hòa cho biết: “Trước Tết, mình tham gia chiến dịch Xuân Tình Nguyện. Từ mùng 3 Tết, mình bắt đầu công việc online. Vì trở lại guồng quay công việc từ trước nên mình có thể dễ dàng sắp xếp và bắt nhịp với việc học tại Trường”. Bên cạnh đó, chàng sinh viên năm cuối cũng đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức chương trình về bình đẳng giới trong thời gian tới.

Bạn Danh Minh Hòa trong chiến dịch Xuân Tình Nguyện xã Đắk R'tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: NVCC
Bạn Danh Minh Hòa trong chiến dịch Xuân Tình Nguyện xã Đắk R'tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: NVCC

Quay trở lại tâm thế học tập và làm việc, bạn trẻ có xu hướng bắt đầu từ những hành động nhỏ và dễ thực hiện. Bạn Phạm Nguyễn Hồng Trân - sinh viên năm 2, khoa Công tác xã hội chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ kì nghỉ Tết năm ngoái, mình đã vừa nghỉ Tết, vừa làm tiểu luận, cũng như lên kế hoạch cho những điều cần làm sau Tết. Vì vậy, tâm lý mình khá vững vàng khi quay trở lại với bài giảng của thầy cô”. Bên cạnh việc học, cô bạn cũng dành thời gian nghe podcast truyền động lực, viết nhật kí và chơi game trí tuệ để thư giãn.

Cùng suy nghĩ với Hồng Trân, bạn Trương Hoàng Phúc - Sinh viên năm 3, khoa Du lịch bày tỏ: “Mình có thể làm những việc nhỏ để tinh thần dễ chịu thay vì lãng phí thời gian cả ngày”. Với Phúc, việc trở lại guồng quay cũ ắt hẳn không dễ. Tuy nhiên, các bạn trẻ có thể “chạy đà” bằng những việc cơ bản. Bởi lẽ, dồn nén áp lực công việc ngay tức khắc có nguy cơ khiến người trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức. 

Kỳ nghỉ Tết là cơ hội để thư giãn và nạp năng lượng sau một năm học tập, làm việc. Đã đến lúc mỗi chúng ta dần quay trở lại với công việc và đón chào một năm mới tràn ngập niềm tin, hi vọng. 

NHẬT ÁNH - TUYẾT HỒNG

<Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/>