Bồi dưỡng chuyên đề: Việt Nam thống nhất - tiếp cận từ các nhân tố Lịch sử và Văn hoá
Ngày 14/05/2025, Bộ môn Lịch sử - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Khoa học tổ chức chương trình bồi dưỡng chuyên đề “Việt Nam thống nhất: Tiếp cận từ các nhân tố lịch sử và văn hóa” do GS.TS Nguyễn Văn Kim làm diễn giả. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn thường xuyên của Khoa KHXH&NV, nhằm cập nhật, bổ sung kịp thời các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho đội ngũ giảng viên, học viên cao học và sinh viên trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập.
Tham dự chương trình có: GS.TS. NGƯT. Nguyễn Văn Kim - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, Giảng viên Cao cấp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Văn Đăng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa KHXH&NV; Đại diện cán bộ, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm; cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Bộ môn Trung Quốc học, Bộ môn Lý luận chính trị, Bộ môn Hàn Quốc học…Trường Đại học Khoa học. Chương trình cũng có sự tham dự của đông đảo học viên Cao học và sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo tại Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn.
Trong chuyên đề, GS.TS Nguyễn Văn Kim đã luận giải nhiều nội dung sâu sắc về thế kỷ XX đầy biến động, với hai cuộc Chiến tranh thế giới, sự hình thành hai cực, hai phe và quá trình phi thực dân hóa lan rộng, thế kỷ bùng nổ của khoa học – kỹ thuật và xu thế toàn cầu. Ở Việt Nam, dân tộc ta trải qua chiến tranh chống xâm lược để giành và giữ độc lập. Các cuộc chiến đã để lại hậu quả nặng nề và đặt ra yêu cầu lớn với công cuộc tái thiết đất nước. Với đặc tính lịch sử gắn liền với quá trình chống ngoại xâm kéo dài buộc dân tộc Việt Nam phải đoàn kết đứng lên chống trả, từ đó củng cố lòng yêu nước, tinh thần độc lập và bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ việc luận giải về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta thông qua những con số đối sánh, GS.TS Nguyễn văn Kim đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại dưới góc nhìn chiến lược địa - chính trị và văn hóa. Nằm ở vị trí địa lý trọng yếu giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, là cầu nối các nền văn minh, thường bị các thế lực xâm lược nhòm ngó, Việt Nam đã thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc qua các thời kỳ, với truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa độc đáo, tinh thần độc lập và khả năng thích ứng cao trong hội nhập quốc tế. Các giá trị lịch sử, văn hóa và khát vọng hòa bình, phát triển đã giúp Việt Nam kiên cường vượt qua nhiều thử thách để khẳng định vai trò trên trường quốc tế. Tiến trình lịch sử dân tộc là bằng chứng đanh thép khẳng định rằng “Thống nhất đất nước là kết quả tất yếu của lịch sử” được hun đúc từ chiều sâu văn hóa dân tộc và sức mạnh của lòng dân – những yếu tố luôn đồng hành, nâng đỡ và tạo nên bản sắc trường tồn của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và phát triển.
Được biết, GS.TS. Nguyễn Văn Kim là Giáo sư, Tiến sĩ ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử thế giới. Giáo sư đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Uỷ viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Đại học Quốc gia Hà Nội; Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV. Hiện tại, Giáo sư là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội và Hành vi - ĐHQHHN, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia; thành viên Hội đồng giáo sư Ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Với nhiều công trình NCKH có giá trị, Giáo sư đã được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu; Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật; Giải thưởng Sách Quốc gia; Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội...
Với nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, chuyên đề bồi dưỡng “Việt Nam thống nhất: Tiếp cận từ các nhân tố lịch sử và văn hóa” của GS.TS Nguyễn Văn Kim thực sự là một hoạt động chuyên môn bổ ích, góp phần thúc đẩy, nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ giảng viên Khoa KHXH&NV, hướng đến hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong tương lai. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa với các bạn học viên, sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, tích hợp của Khoa KHXH&NV (như chương trình đào tạo định hướng giảng dạy Lịch sử - Địa lý và Kinh tế pháp luật, Khoa học quản lý, Công tác xã hội).
Một số hình ảnh về Chương trình bồi dưỡng chuyên đề:
(Bộ môn Lịch sử - Khoa KHXH&NV)