Cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một số “bệnh của cán bộ”

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, từ việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng đến giáo dục, bồi dưỡng, trọng dụng người tài. Đồng thời, Người cũng sớm cảnh báo những thói hư, tật xấu, những “căn bệnh kinh niên” khó chữa trong đội ngũ cán bộ và chỉ rõ biện pháp sữa chữa.

Ảnh minh họa: internet

1. Bệnh quan cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Cùng với giặc đói, giặc ngoại xâm là tình trạng hơn 90% dân số mù chữ. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ của chính quyền non trẻ vẫn chưa gột rửa được những tàn dư, vết tích và thói quen cũ, lạc hậu của chế độ thực dân phong kiến để lại, nên mắc phải những sai lầm, khuyết điểm.

Trước những biểu hiện yếu kém, phai nhạt phẩm chất, tư cách đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, ngày 17-10-1945, trong Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những khuyết tật cần phải được thanh lọc trong bộ máy công quyền. Đó là các thói xấu cần phải lên án như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.

Được cất nhắc, bầu vào vị trí lãnh đạo, trước những cám dỗ của đồng tiền, quyền uy, một số cán bộ đã không giữ được lương tâm, phẩm giá, sa ngã vào con đường ăn chơi xa hoa. Người chỉ rõ: “Ǎn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?. Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”(1). Những biểu hiện có phần kệch cỡm của một số cán bộ trong cuộc sống thường ngày, trong hoạt động công vụ hoàn toàn trái ngược với bức tranh chung của người dân, nhất là những ám ảnh về nạn đói năm 1945 vẫn còn đeo bám ở nhiều làng quê, tạo ra sự phản cảm và mối hoài nghi của nhân dân vào chính quyền.

Không chỉ mắc vào thói ăn chơi, đua đòi, một số cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén lợi ích cho gia đình, người thân. Dùng quyền lực để chèn ép dân lành, làm những điều sai trái. Tất cả đều xuất phát từ ý muốn chủ quan cá nhân, không mang lại lợi ích cho tập thể, cộng đồng. Trước vấn nạn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ một số cán bộ “vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán”, họ coi mình là quan cách mạng, ỷ thế, cậy quyền: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”(2).

Vì đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể nên ở nhiều cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng mất đoàn kết, phe cánh, đấu đá lẫn nhau, và hậu quả lại là người dân hứng chịu. Hiện tượng con quan thì lại làm quan, cài cắm người nhà vào các vị trí lãnh đạo, ưu tiên tuyển dụng người thân, ghen ghét, đố kỵ người tài là một vấn nạn trong không ít cơ quan hành chính thời bấy giờ: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”, “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác”(3). Những căn bệnh ấy đã làm giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền.

Một căn bệnh khác khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ là thói kiêu ngạo, tự cao, tự đại, tự mãn khi họ được cất nhắc vào những chức vụ, vị trí cao trong bộ máy công quyền. Kiêu ngạo dẫn đến sự coi thường, khinh ghét dân chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ lúc nào cũng gương oai, tự đắc, cho mình là thánh thần trong cơ quan Chính phủ, có quyền sinh quyền sát, đe nẹt dân lành. Người viết: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”(4).

Khi nhìn nhận, đánh giá đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trong mối tương quan, gắn kết với lợi ích của nhân dân. Những biểu hiện sai trái của một số cán bộ đã làm xói mòn tình cảm, lòng tin và sự kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân đối với Chính phủ; phai nhạt lý tưởng và đạo đức cách mạng, gây những tổn thất nặng nề, dai dẳng, nhất là trong những năm cả dân tộc vừa phải kháng chiến, vừa kiến quốc.

Cũng giống như V.I. Lênin từng cảnh báo về ba loại kẻ thù nguy hiểm đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười là: Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn mù chữ và nạn hối lộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra những thói hư, tật xấu, lâu dần trở thành bệnh trầm kha, mãn tính trong đội ngũ cán bộ ở nước ta trong những năm đầu đất nước được độc lập, tự do. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan, như tình cảnh đất nước mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, một bộ phận cán bộ của chính quyền non trẻ mắc phải căn bệnh háo danh, chuộng hình thức, tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa, óc địa vị, địa phương…

Để thanh trừ, loại bỏ những “căn bệnh” ấy cần một cuộc cách mạng lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, nghiêm khắc trong việc chỉnh đốn, xây nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh. Người mong mỏi, kỳ vọng đồng bào cùng Chính phủ quyết tâm dẹp bỏ những căn bệnh đó: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 nǎm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong”(5).

Nói về mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền, Người luôn nhắc nhở những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân phải hiểu thấu nguyên tắc: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thǎng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(6). Như vậy, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có sứ mệnh phục vụ nhân dân, nhằm đem lại lợi ích, hạnh phúc và những điều tốt đẹp nhất cho đồng bào. Vì thế nếu Chính phủ sai, cán bộ có những biểu hiện sai lầm, mắc những “căn bệnh” suy đồi về đạo đức, đánh mất phẩm cách, danh dự thì nhân dân sẵn sàng “đuổi” ra khỏi bộ máy công quyền. Điều đó thể hiện quyết tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước mong ước kiến tạo một Chính phủ “công bình, chính trực”, vì hạnh phúc của nhân dân, đất nước.

2. Phương thức chữa “bệnh”

Ý thức tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ - yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng người tài. Người viết: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(7). Tuy nhiên, trong thực thi công vụ, cán bộ không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng theo Người là “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa” để ngày càng tiến bộ, đem trí tài, sức lực phục vụ nhân dân, đất nước.

Để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ phải thực hiện tốt những nhiệm vụ như:

Thứ nhất, mỗi cán bộ phải ý thức rõ về trách nhiệm, bổn phận của bản thân trước nhân dân, đất nước. Phải nhận thức rõ, “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Vì thế phải dốc lòng, dốc sức phục vụ nhân dân, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Bởi lẽ “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(8).

Thứ hai, cán bộ phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao phẩm chất chính trị, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong  Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/2/1947, khi bàn về đức tính, phẩm chất của người cán bộ, Người cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ cũng phải đặt mình trong những mối quan hệ để đối sánh xem xét bổn phận, trách nhiệm của bản thân với chính mình (không tự mãn, không kiêu ngạo, cầu thị để tiến bộ, siêng năng, tiết kiệm); với đồng chí (thân ái, thẳng thắn phê bình,  học những điều hay, không ghen ghét, đố kỵ, không tranh giành ảnh hưởng, không hiếu danh, hiếu vị); với công việc (phải nghĩ kỹ, có kế hoạch, cẩn thận); với nhân dân (hiểu nguyện vọng của dân, thấu nỗi cực khổ của họ, học tập nhân dân, giải thích cho dân hiểu, tôn kính dân, làm cho dân tin, làm gương, thanh khiết); với đoàn thể (phải loại bỏ sự tự do cá nhân, hiểu mục đích vào đoàn thể, phục tùng mệnh lệnh, tuyệt đối trung thành, tận tụy làm việc, giữ gìn danh dự của đoàn thể, của chính bản thân mình).

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, điều đầu tiên Người căn dặn là vấn đề về Đảng, về việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, phải giữ gìn truyền thống đoàn kết, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau... Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(9).

Những chỉ dạy của Người đến nay vẫn có sức lan tỏa lớn như lời động viên, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, chí công vô tư với tinh thần trọng dân, kính dân và yêu dân. Trải qua hơn 70 năm kể từ khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đội ngũ cán bộ các cấp đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong trong bối cảnh mới, dưới sự tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền vẫn chưa được khắc phục kịp thời, “Một số cán bộ tính Đảng kém, bộc lộ tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị, gia trưởng, độc đoán, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, không muốn từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao; tùy tiện, bất chấp nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; dao động, mất lòng tin, sa vào chủ nghĩa cá nhân, mê tín, dị đoan; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, gia trưởng, quan liêu, xa dân, chưa thực sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm… Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội… còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp… Cá biệt có trường hợp do bất mãn dẫn đến phản bội lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân”(10). Những yếu kém, khuyết điểm đó đang tác động tiêu cực đến công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, nếu không khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. 

Để thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, phải không ngừng nỗ lực, tự đổi mới chính bản thân mình, ý thức rõ bổn phận, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.  Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và thực hiện tốt Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

TS.  Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-----------------------

(1), (2), (3), (4), (8)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 65, 65, 65, 65, 64.

(5), (6), (7)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 61, 60, 54.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr. 516

(10) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên),Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr. 23.

Theo: lyluanchinhtri.vn

<Nguồn: https://tcnn.vn/>