Chương trình đào tạo Định hướng giảng dạy Lịch sử - Địa lý – Kinh tế pháp luật tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đáp ứng nhu cầu về giáo viên giảng dạy tích hợp
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Lịch sử và Địa lí là môn học tích hợp ở bậc trung học cơ sở; các môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi để giáo dục công dân. Với những điểm mới đó, nhu cầu về đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lý – Kinh tế pháp luật trên toàn quốc là vô cùng cấp bách. Chính vì vậy, khi Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh Chương trình đào tạo Định hướng giảng dạy Lịch sử - Địa lý – Kinh tế pháp luật vào năm 2023 đã nhanh chóng thu hút rất nhiều thí sinh.
Tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Chương trình GDPT 2018 thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng (nội môn, liên môn, xuyên môn). Trong đó, Lịch sử và Địa lí là hai trong số các môn học thể hiện rõ nhất tinh thần “tích hợp”. Dạy và học môn tích hợp theo CTGDPT 2018 vẫn được coi là vấn đề khó trong các nhà trường, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy. Đội ngũ giáo viên từ trước tới nay chỉ được đào tạo đơn môn. Để đứng lớp dạy các môn tích hợp, các thầy, cô phải học thêm kiến thức của những môn khác và tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn. Chính vì vậy, để dạy các môn tích hợp rất cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở giáo dục đại học để thích hợp với kiến thức liên môn và nhiều kỹ năng mới.
Chương trình đào tạo Định hướng giảng dạy Lịch sử - Địa lý - Kinh tế pháp luật tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu đó. CTĐT Định hướng giảng dạy Lịch sử - Địa lý - Kinh tế pháp luật gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí, kinh tế pháp luật và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo... Các mạch kiến thức lịch sử, địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.
Sinh viên theo học CTĐT Lịch sử - Địa lý - Kinh tế pháp luật của Trường Đại học Khoa học được tiếp cận với các phần mềm, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó trở thành các giáo viên vững về chuyên môn và thành thạo trong công nghệ giáo dục, đáp ứng xu hướng mới của giáo dục hiện nay.
Sinh viên tốt nghiệp CTĐT Lịch sử - Địa lý - Kinh tế pháp luật có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; có kiến thức thực tế để giải quyết các hoạt động giáo dục trong nhà trường; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào dạy học môn Lịch sử - Địa lý – Kinh tế pháp luật ở trường phổ thông; biết vận dụng các phương pháp tích cực để tổ chức hoạt động học tập của học sinh theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm.
Sinh viên có cơ hội nghề nghiệp lớn
Nhu cầu giáo viên giảng dạy tích hợp rất lớn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên lại là cơ sở đầu tiên thực hiện CTĐT Lịch sử - địa lí - kinh tế pháp luật nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà trường phổ thông còn thiếu giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
CTĐT Lịch sử - Địa lý - Kinh tế pháp luật không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực giáo dục mà còn mở ra nhiều hướng đi linh hoạt cho sinh viên trong tương lai. Bên cạnh việc giảng dạy tại các nhà trường phổ thông, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác. Các em có thể giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; giảng dạy tại các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị; hoặc trở thành nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu; chuyên viên trong văn phòng cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội; làm việc trong các lĩnh vực gần như báo chí, du lịch, văn hoá.…
Ngoài ra với lợi thế đào tạo trong một cơ sở giáo dục đại học đa ngành nên các em có thể học bằng kép để lấy bằng cử nhân một số ngành khác. Nhà trường cũng có các chương trình để sinh viên có thể học lên bậc cao hơn. Điều quan trọng là các em cần nắm bắt tốt những kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ trong quá trình học tập để tận dụng tốt những cơ hội./.