Hướng đi mới cho hoạt động thực hành chuyên môn Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học
CTXH có mục đích cải thiện chức năng xã hội của con người qua ba lĩnh vực: phục hồi khả năng đã bị thương tổn, giúp con người tận dụng được những tài nguyên có sẵn, và phòng ngừa tình trạng mất khả năng sống bình thường trong xã hội. Định nghĩa này của Werner Boehm, nhà giáo dục CTXH người Mỹ gốc Đức phản ánh khá đầy đủ vai trò quan trọng của CTXH và giải thích tại sao CTXH ngày càng trở nên thiết yếu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Từ thập niên 70 đến nay, ngành CTXH đã tiến rất xa, đã hướng đến việc giải quyết những nhu cầu phức tạp và đa dạng không chỉ của người nghèo, của những người yếu thế trong xã hội, mà là của tất cả mọi thành phần trong xã hội. Sự đa dạng hóa của nhu cầu con người trong xã hội đã thúc đẩy ngành CTXH không ngừng phát triển. Để làm việc hiệu quả, nhân viên CTXH không phải chỉ cần trái tim mà cần cả kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn, đạo đức nghề. Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc phát triển nghề CTXH và đào tạo CTXH theo hướng chuyên nghiệp ở Việt Nam là rất cần thiết, bởi lẽ nó cung cấp nguồn nhân lực nhân viên xã hội chuyên nghiệp có chất lượng cho việc thực thi các chính sách an sinh xã hội một cách có hiệu quả. Nhân viên xã hội sử dụng nhiều phương pháp và kỹ năng để giúp đỡ các cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Những hoạt động bao gồm tham vấn, CTXH cá nhân, quản lý ca, CTXH nhóm, biện hộ xã hội, phát triển cộng đồng, chính sách xã hội.
Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên mở mã ngành đào tạo CTXH vào năm 2008, năm 2009 tuyển sinh khóa sinh viên hệ chính quy đầu tiên, cho đến nay đã có 6 khóa sinh viên hệ chính quy đã ra trường, 4 khóa hiện đang đào tạo; cùng với đó là sinh viên hệ VLVH, hệ liên thông từ TC, CĐ lên Đại học. Qua quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của các đơn vị tuyển dụng. Nhằm mục đích gắn lý thuyết với thực hành, nâng cao kỹ năng làm việc tại cơ sở cho sinh viên, giúp sinh viên vận dụng những kiến thức chuyên môn được học ở nhà trường vào thực tiễn, đối với những khóa đào tạo đầu tiên, sinh viên được đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội (Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tây (cũ); Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh;…), hoặc về các cộng đồng dân cư (xã/phường) để tiếp cận và thực hành đối với các thân chủ là cá nhân/nhóm hoặc tổ chức cộng đồng.
Đoàn thực hành tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên
Đoàn thực hành tại Xã Phúc Xuân – TP. Thái Nguyên
Năm học 2018 – 2019, bộ môn CTXH đề xuất mở rộng phạm vi các đơn vị thực hành đối với sinh viên ngành CTXH và đã nhận được sự nhất trí của ban giám hiệu nhà trường. Việc đề xuất này dựa trên cơ sở pháp lý là các văn bản pháp luật quy định về vị trí việc làm đối với nghề CTXH, và dựa trên thực tiễn nhu cầu xã hội. Các đơn vị hợp tác gồm có: Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Bá Xuyên – tp Sông Công, Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt.
Đoàn thực hành tại Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên
Đoàn thực hành tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên
Trong quá trình thực hành tại các cơ sở nói trên sinh viên ngành CTXH đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn rất tích cực từ phía cán bộ, nhân viên tại cơ sở và các giảng viên hướng dẫn. Các cơ sở cũng đánh giá tương đối tốt về kỹ năng nghề, kiến thức chuyên môn và tinh thần học tập của sinh viên nhà trường. Trên tinh thần đó, phía các cơ sở thực hành cũng mong muốn đơn vị đào tạo tiếp tục hợp tác trong thời gian tới. Trong thời gian thực hành tại cơ sở, giảng viên và sinh viên ngành CTXH đã phối hợp cùng cơ sở thực hành tổ chức những hoạt động chuyên môn và phát triển kỹ năng thiết thực, tạo được ấn tượng tốt với cơ sở thực hành như: Tọa đàm: CTXH trong hoạt động tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy – Lý luận và thực tiễn; Teambulding Vượt lên chính mình; phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm ngày chăm sóc sức khỏe tâm thần 10/10 tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên; …
Đoàn thực hành tại Trường Trung học cơ sở Bá Xuyên – Tp. Sông Công
Chia sẻ của lãnh đạo cơ sở thực hành và cảm nhận của sinh viên:
“Các bạn sinh viên không chỉ ứng dụng được những kiến thức đã học trên lớp vào thực tế mà còn tạo được ấn tượng tốt với học viên đang điều trị cai nghiện, được Ban giám đốc cơ sở đánh giá rất cao về kiến thức và kỹ năng trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ các nhóm học viên. Chúng tôi mong muốn nhà trường cùng kết hợp với trung tâm chia sẻ nhiều hơn các hoạt động về chuyên môn và thực tế tại cơ sở” (BSCKI. Lê Đức Hùng – Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên)
Bộ môn CTXH ttổng kết hoạt động thực hành tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên
Tổ chức hoạt động thực hành nhóm tại Trường Tiểu học Bá Xuyên – Tp. Sông Công
“Lần đầu tiên chúng tôi được đón nhóm sinh viên thực hành không phải là sinh viên trường Đại học Sư phạm. Ban đầu chúng tôi rất bỡ ngỡ và bối rối với sự xuất hiện của các em, chúng tôi không biết sẽ giúp gì được các em về chuyên môn. Nhưng đến giờ chúng tôi không muốn xa các em sinh viên của nhà trường, bởi các em ấn tượng quá, các em về đây tổ chức hoạt động đoàn đội cho học sinh của trường. Tôi mong muốn các thầy/cô lại tiếp tục đưa sinh viên về đây thực hành, để chúng tôi được tiếp cận với ngành đào tạo mới, bản thân chúng tôi cũng học hỏi được từ các em rất nhiều” (Thầy Trần Xuân Bảo – Phó hiệu trưởng trường THCS Bá Xuyên).
“Qua đợt thực tế này, nhóm chúng em đã học được nhiều bổ ích, đã tiếp thu và thu thập được những ý kiến phản hồi tích cực về phương pháp hỗ trợ, tiếp cận từ các chị kiểm huấn viên và các cán bộ tại trung tâm . Đặc biệt chúng em đã biết áp dụng những kỹ năng đã học trên lớp vào quá trình thực tế như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe tích cực,…Mặc dù thời gian thực tế có ngắn và những buổi sinh hoạt có ít nhưng để lại cho chúng em những ấn tượng đặc biệt về nhóm thân chủ. Thêm vào đó chúng em học được cách làm việc nhóm, biết tôn trọng ý kiến của nhau nói chung và của thân chủ nói riêng.” (SV Bùi Thị Huyền – CTXH K13 – Nhóm thực hành tại Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên)
Nhóm thực hành tại Trung tâm bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt nhận giấy khen của đơn vị
Có thể nói, hoạt động thực hành chuyên môn về công tác xã hội đã được Trường Đại học Khoa học chú trọng. Nhân viên xã hội sử dụng nhiều phương pháp và kỹ năng để giúp đỡ các cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Những hoạt động bao gồm tham vấn, CTXH cá nhân, quản lý ca, CTXH nhóm, biện hộ xã hội, phát triển cộng đồng, chính sách xã hội. Qua hoạt động này, giúp sinh viên có thêm kiến thức thực tiễn, vững vàng bước vào cuộc sống khi tốt nghiệp. Đây là hoạt động cần đươc duy trì và cần có sự đầu tư hơn nữa.
Bài và ảnh: Tạ Thảo – BM. Công tác xã hội