Một nghiên cứu về ứng dụng mô hình "đại học phân tán" trong bối cảnh giáo dục hiện nay

Các trường đại học sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong tương lai. Cụ thể, các trường đại học giàu truyền thống được biết đến từ trước đến nay đang trở thành những tập đoàn kinh doanh được quản lý quá mức theo kiểu doanh nghiệp, và mất đi khả năng đáp ứng các nhu cầu của xã hội, quốc gia và thế giới.

 

Nhà nghiên cứu Richard F. Heller (Đại học Newcastle, Australia) đề xuất mô hình “đại học phân tán” (distributed university) nhằm giải quyết các thách thức mà cơ sở giáo dục đại học đang phải đối mặt. “Phân tán” ở đây có nghĩa là trường đại học sẽ triển khai, phân phối nội dung giáo dục trực tuyến tới bất kỳ nơi nào cần.

Các trường đại học đang phải đối mặt với những vấn đề gì?

Áp lực đối với các trường đại học đến từ cả bên ngoài lẫn nội tại.

Từ bên ngoài, các trường đại học cần phải phản ứng nhanh nhạy với sự thay đổi trong cách thức người dân tiếp nhận và truy cập thông tin hiện nay. Các trường cũng cần phải đảm bảo xây dựng một môi trường bền vững. Ngoài ra, trong bối cảnh sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, các trường đại học tại Australia lại đang ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ các sinh viên quốc tế.

Sự phát triển nội tại của các trường đại học cũng gây ra những mối đe doạ tiềm tàng. Các trường đang ngày càng ít coi trọng vấn đề giảng dạy; sự thành công của các cán bộ, giáo viên của trường ít được đánh giá từ những thành công trong giảng dạy, mà chủ yếu là việc nghiên cứu. Các trường cũng đang áp dụng mô hình kinh doanh cạnh tranh trong hoạt động của mình, thay vì một mô hình giáo dục hợp tác. Sự giám sát quá mức về mặt hành chính, quản lý cũng được ứng dụng nhiều hơn, thay vì đặt niềm tin vào đội ngũ học thuật. Các cán bộ, giảng viên của trường đại học ngày nay cũng làm việc nhiều hơn trong các toà nhà cao tầng tập trung, thay vì dành thời gian tương tác với các cộng đồng địa phương.

Mô hình trường đại học phân tán sẽ giải quyết những vấn đề trên bằng cách:

- Giảm thiểu bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục

- Đề cao sự kết nối với địa phương

- Giảm thiểu các tác động về môi trường

- Xây dựng lòng tin thay cho các biện pháp quản lý

- Hợp tác nhiều hơn thay vì cạnh tranh

Mô hình trường đại học phân tán vận hành như thế nào?

Học tập trực tuyến được coi là trung tâm của mô hình đại học phân tán, do tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi về cấu trúc. Các chi nhánh nhỏ có thể thay thế cho những khuôn viên đại học trung tâm rộng lớn, nhờ đó làm giảm “dấu chân carbon” do sinh viên và giảng viên tạo ra trong quá trình giao thông đến trường. Những “chi nhánh” này có thể là những địa điểm ngoài đời thực hoặc trực tuyến.

Đại học phân tán chủ yếu cung cấp dịch vụ giảng dạy trực tuyến thay cho những giảng đường lớn. Các chi nhánh sẽ có sự tương tác cao hơn với cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp hoặc các đơn vị giáo dục khác. Nhờ đó, chúng thúc đẩy hoạt động học tập chủ động, chú trọng thực hành. Các chi nhánh có thể được nhân rộng về mặt địa lý hoặc theo thời gian. Nhu cầu học tập của mỗi người thay đổi cùng với sự phát triển của sự nghiệp và các sở thích. Mô hình quản trị đại học trung tâm sẽ thu hẹp, nhưng vẫn đảm bảo các môn học đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mô hình quản lý chặt chẽ quá mức sẽ được thay bằng sự tin tưởng đặt ở chính các cán bộ, giảng viên của trường - một cấu trúc như vậy cũng dễ quản lý hơn. Người ta thường không công nhận rằng giảng dạy trực tuyến có tính minh bạch cao hơn nhiều so với giáo dục trực tiếp. Tất cả các tài liệu học tập, trao đổi giữa sinh viên với nhau và giữa sinh viên - giảng viên đều được ghi lại, cho phép đảm bảo chất lượng một cách thực chất.

Tương tác xã hội giữa sinh viên và giảng viên cũng được thực hiện chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Điều này cũng phản ánh đúng cách thức chúng ta tương tác và học tập trong thế giới hiện nay.

Sự hỗ trợ về công nghệ thông tin cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu là điều thiết yếu. Nó cho phép chúng ta thích nghi với sự phát triển về giao tiếp, truyền thông trong tương lai và những thay đổi cũng như thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mô hình đại học phân tán sẽ có ít tác động hơn về môi trường. Mặc dù giáo dục trực tuyến phụ thuộc nhiều vào hạ tầng công nghệ thông tin và cũng có “dấu chân carbon” của riêng nó, nhưng nhỏ hơn nhiều - nhất là khi các trung tâm dữ liệu đang ngày càng được vận hành bằng năng lượng tái tạo - thay vì giảng dạy trực tiếp đòi hỏi chúng ta phải cung cấp năng lượng cho các toà nhà cao tầng và nhiên liệu phục vụ hoạt động đi lại của con người.

Một nghiên cứu mới thực hiện của tác giả và các cộng sự cũng cho thấy lợi ích môi trường rất thực tế của việc giảng dạy trực tuyến. Một nhóm 128 học viên cao học (chủ yếu đến từ châu Phi) học tập trực tuyến thay vì di chuyển và cư trú tại Vương quốc Anh. Họ đã tiết kiệm gần 1 triệu kilogram phát thải carbon bằng cách này.

<tapchigiaoduc.edu.vn>