PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP: GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG THỰC HIỆN HIẾN PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI

Nghề công tác xã hội là một nghề hướng đến việc trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội “ yếu thế” giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình cùng với cộng đồng và sự trợ giúp của nhà nước, để họ tự vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển họ công nhận công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp. Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (Gọi tắt là Quyết định 32).

Mục tiêu chung của Đề án là “ Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp. góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Ngay sau khi Đề án được ban hành, các Bộ, Ngành chức năng đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg ; Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập…Như vậy Quyết định 32 đã tạo ra hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp. Đồng thời cũng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và xã hội về nghề công tác xã hội, trong 5 năm qua đã có hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể đã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, thăm quan các mô hình về công tác xã hội, nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đã được thành lập mới, một số trung tâm bảo trợ xã hội được bổ sung thêm chức năng công tác xã hội. Thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và các đối tượng xã hội đều đánh giá đây là mô hình hoạt động rất phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Quyết định số 32, ngày 03/11/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban chỉ đạo Đề án Phát triển Nghề Công tác xã hội Thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nghề công tác xã hội và các văn bản pháp luật về chính sách xã hội; Tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo của viên chức, nhân viên, công tác viên làm công tác xã hội. Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Lao động TB&XH đã tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghề công tác xã hội cho trên năm ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội đang làm việc tại các hội, đoàn thể tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và cán bộ đang làm việc tại các cơ sở xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Thông qua các chương trình đào tạo, học viên đã nắm bắt được các kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội cũng như các kỹ năng, kiến thức làm việc trực tiếp với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng cũng như tại cơ sở nuôi dưỡng, hỗ trợ các đối tượng ổn định cuộc sống, tinh thần.

Để các hoạt động công tác xã hội của thành phố Hà Nội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, ngày 21 tháng 3/2014, UBND Thành phố đã bàn hành Quyết định số: 1541/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng tiếp nhận đối tượng khẩn cấp, tổ chức đào tạo nghề công tác xã hội, tư vấn, tham vấn và kết nối các nguồn lực để trợ giúp các đối tượng có vấn đề trên địa bàn thành phố. Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội ra đời đánh dấu sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố theo hướng chuyên nghiệp.Trung tâm có trụ sở làm việc tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Sau khi ổn định vể tổ chức, bộ máy, cán bộ, nhân viên và người lao động của Trung tâm đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ do UBND thành phố và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao. Hiên nay Trung tâm thực hiện việc tiếp nhận thông tin, nhu cầu tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho các đối tượng xã hội và các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội 24/24 giờ hàng ngày, qua số điện thoại 04.33525662. Kể từ khi đi vào hoat động đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tư vấn, trợ giúp cho gần 500 lượt đối tượng, tiếp nhận trên 30 trường hợp khẩn cấp do công an và người dân cung cấp; tổ chức các cuộc truyền thông tại các trường học, khu dân cư, khảo sát nhu cầu cần cung cấp dịch vụ xã hội tại 17/17 phường của quận Hà Đông, phát hành trên 50 ngàn tờ rơi, lịch tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm gửi tới các Phòng Lao động – Thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã, các cơ sở bảo trợ xã hội và các đơn vị thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường đại học, trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở… tổ chức các hoạt động truyền thông trên báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình…. Bằng những việc là cụ thể của cán bộ, viên chức Trung tâm nhiều cá nhân, tổ chức đã biết đến các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp, nhiều cá nhân đã đến trực tiếp, viết thư cảm ơn về công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp, nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng…. đã được Trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của Thành phố giải quyết chế độ như: đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình cho họ trở về hòa nhập đời sống cộng đồng, có những gia đình có mâu thuẫn gia đình, tranh chấp về quyền nuôi con..cũng đã được cán bộ trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các chuyên gia tham vấn, tư vấn và họ đã hòa thuận.

Để hỗ trợ cho các hoạt động tham vấn, tư vấn, vừa qua Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ cho Trung tâm một tổng đài số máy 1900 636 022, đây là số máy tiếp nhận thông tin tư vấn, tham vấn chính sách xã hội vào tất cả các ngày làm việc trong tuần.

Điều 34, Hiến pháp năm 2013 quy định “ Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” chính sách an sinh xã hội bao gồm: chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách với người có công, người khuyết tật… Hoạt động của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội chính là “cầu nối” giúp cho người dân đặc biệt là đối tượng “ yếu thế” tiếp cận các chính sách nhà nước. Thông qua số máy điện thoại 04 33525 662 tiếp nhận thông tin 24/24h hàng ngày; số máy 1900636022 tiếp cận thông tin vào các ngày làm việc trong tuần. Như vậy mọi người dân khi có nhu cầu tư vấn, tham vấn về cơ chế, chính sách xã hội đều có thể tiếp cận qua điện thoại. Việc này vừa nhanh, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian đi lại của người dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ Trung tâm sẽ tư vấn, tham vấn, kết nối thông tin với các cơ sở dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo cơ hội cho người dân lựa chọn được loại hình dịch vụ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, điều kiện về kinh tế của cá nhân, gia đình. Đó chính là giải pháp quan trọng trong tiến trình thực hiện Hiến pháp về chính sách an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời đây cũng là nơi người dân có thể phản ảnh về việc thực hiện chính sách nhà nước trong lĩnh vực xã hội tại cơ sở, nếu thấy chưa đúng, chưa thỏa đáng hay có những hạn chế, bất cập về chế độ chính sách xã hội mà người dân cần tham gia đóng góp, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt là các bạn trẻ khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, ngại chia sẻ với gia đình, cũng có thể gọi điện đến trung tâm, chúng tôi sẽ kết nối với các chuyên gia để đáp ứng nhu cầu của các bạn, giúp các bạn vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 32,Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cũng còn có những khó khăn cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết:

- Trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác xã hội như: Luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội …;

- Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn thành phố còn thiếu và chưa có sự gắn kết, cộng tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hỗ trợ đối tượng. Phần lớn cán bộ làm công tác xã hội chưa được đào tạo đúng chuyên ngành nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động.

-  Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội mới được thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tương thích với nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, trong việc triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ xã hội.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nghề công tác xã hội, trong thời gian tới Trung tâm rất mong được sự quan tâm hỗ trợ, công tác của các Sở, Ban, Ngành của Thành phố Hà Nội về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp tại Trung tâm. Hiện nay do đặc thù của việc tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp rất cần sự hỗ trợ, cộng tác của công an, các cơ sở y tế. Có trường hợp khi cán bộ trung tâm tiếp cận sức khỏe yếu cần phải được đưa vào cơ sở y tế, trong khi đó các giấy tờ tùy thân họ không có, cơ chế hỗ trợ về tiền ăn, tiền thuốc cho đối tượng, tiền hỗ trợ cán bộ khi tham gia trợ giúp đối tượng khẩn cấp cũng có những bất cập. Hệ thống văn bản pháp lý quy định về nghề công tác xã hội cũng cần được hoàn thiện để tạo ra sự đồng bộ trong quá trình hành nghề công tác xã hội của đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân,Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội rất mong nhận được sự hỗ trợ về kỹ năng, tài liệu kỹ thuật, trang bị cơ sở vật chất của các Bộ, Ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà hảo tâm, học sinh, sinh viên và các nhà hoạt động xã hội hãy chung tay với trung tâm và cộng đồng tạo cơ hội ngày càng tốt hơn cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp đó cũng chính là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện Hiến pháp về chính sách an sinh xã hội theo hướng tiên tiến./.

Nguyễn Ngọc Minh, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội.

(Nguồn: Mạng công tác xã hội Việt Nam (http://www.socialwork.vn))