SINH VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
Công tác xã hội chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội, nhằm đảo bảo công bằng và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, công tác xã hội đã được ghi nhận là một nghề quan trọng tại nhiều nước trên thế giới. Trên cơ sở nhận thức đươc yêu cầu phát triển công tác xã hội trên thế giới và ở Việt Nam, trường Đại học Khoa học đã mở mã ngành đào tạo Công tác xã hội và bắt đầu tuyển sinh đào tạo chính quy tại trường vào năm 2009.
Những sinh viên theo học ngành Công tác xã hội ở trường Đại học Khoa học gồm nhiều tỉnh trong cả nước, nhất cả là các tỉnh miền núi như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang…. Có không ít sinh viên là người dân tộc thiểu số, con em trong các gia đình nông dân, gia đình thuộc diện chính sách theo học…Phần lớn sinh viên vào học có tinh thần vượt khó, tích cực trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, chăm chỉ học tập. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Hầu hết sinh viên ra trường đã tham gia vào các lĩnh vưc nghề nghiệp khác nhau và đã đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức xã hội.
Quá trình học tập và rèn luyện vốn đã phải cố gắng rất nhiều thì sau khi ra trường làm thế nào để có thể tìm được một vị trí công việc phù hợp với chuyên ngành mà mình đã theo học lại càng khó khăn và gian nan hơn nữa. Đặc biệt, công tác xã hội lại là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam, không phải mọi tổ chức, mọi cá nhân đều đã có được cái nhìn một cách đầy đủ về nó. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH tại Đại học Khoa học đã và đang từng ngày mang những kiến thức, những kỹ năng đặc thù của nghề CTXH để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Vậy với mỗi cựu sinh viên họ sẽ có những trải nghiệm, những cảm nhận và những lời khuyên nào cho thế hệ đi sau. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi với bạn Lương Thúy Thoa - Lớp Cử nhân công tác xã hội K8.
PV: Chào bạn, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân đươc không?
Em đã từng là thành viên của lớp CTXH K8, trường Đại học Khoa học và tốt nghiệp được hơn 1 năm. Hiện đang công tác tại UBND xã Đức Thông, Thạch An, Cao Bằng, công việc chính em đang đảm nhận là cán bộ phụ trách mảng văn hóa - xã hội.
Cựu sinh viên ngành Công tác xã hội - Lương Thúy Thoa
PV: Bao lâu sau khi ra trường thì bạn xin được việc làm? Bạn có gặp phải những khó khăn gì trong quá trình tìm kiếm việc làm không?
Em tốt nghiệp tháng 7 năm 2014, và vào đầu tháng 5 năm 2015, em may mắn nhận được Quyết định công tác sau khi đã trải qua kỳ thi tuyển công chức hồi tháng 11 năm 2014 tại huyện nhà.
Trước khi đảm nhiệm công việc hiện tại, em đã từng thử sức và nộp hồ sơ qua các hòm thư điện tử với công việc của một Tình nguyện viên trong Chương trình, Dự án phi chính phủ. Tuy vậy, với lượng kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế đối với một sinh viên vừa chân ướt, chân ráo ra trường như bản thân em nên may mắn vẫn chưa thể mỉm cười. Nhưng sau khoảng thời gian đó, từ nhiều nguồn khác nhau, em ngày càng tích cực tìm kiếm, thử sức ở nhiều đơn vị tuyển dụng, và may mắn là em đã trúng tuyển tại kỳ thi công chức cấp xã đầu tháng 11 năm 2014.
PV: Bạn đã tốt nghiệp ngành CTXH, công việc bạn đang làm có liên quan đến chuyên ngành đã học của mình không? Bạn đã vận dụng những kiến thức chuyên ngành CTXH vào công việc hiện tại như thế nào?
Hiện tại, em đang đảm nhiệm chức danh Văn hóa - Xã hội tại UBND xã Đức Thông. Với nhiệm vụ và chức năng của công việc trên, những kiến thức, kỹ năng của ngành CTXH mà em đã được tiếp thu tại trường thực sự rất quan trọng, hữu ích. Bởi lẽ, để làm tốt, làm đúng chế độ, chính sách cho các đối tượng Bảo trợ xã hội, các đối tượng chính sách hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn....., trước tiên, bản thân em cần nắm vững chế độ, chính sách của Nhà nước, sau đó, mới áp dụng cho từng loại đối tượng cụ thể. Hay khi tổ chức một buổi Tọa đàm, nói chuyện về vấn đề Tai nạn thương tích đối với trẻ em trên địa bàn xã, em cũng cần sử dụng rất nhiều kiến thức, phương pháp, kỹ năng như: Thuyết trình, lắng nghe, đặt câu hỏi.... để có thể tạo sự thành công cho chương trình..... Và may mắn rằng, những kiến thức, kinh nghiệm đó em đã được tiếp thu trong suốt 4 năm học tại trường từ chính người thầy, người cô - những con người đang lái con đò tri thức của ngành CTXH.
PV: Bạn đánh giá thế nào về cơ hội việc làm cho sinh viên ngành CTXH sau khi ra trường hiện nay?
Em tin rằng, không chỉ hiện tại mà cả tương lai dài phía trước nữa, cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành CTXH sau khi ra trường là rất lớn. Bởi với sự cấp thiết, với sự phát triển của xã hội hiện nay, vai trò của CTXH là không thể thiếu, và kéo theo đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp cũng rất lớn. Do vậy, e hi vọng rằng, 100% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ sớm ổn định công việc để có thể góp một phần công sức, dù nhỏ bé cho sự phồn vinh của đất nước.
PV: Bạn đánh giá thế nào về vai trò của nghề CTXH trong xã hội hiện nay?
Theo em, nghề CTXH có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhờ có CTXH, nhiều vấn đề bức thiết như: Nghèo đói, bất bình đẳng.....được giải quyết một cách có hiệu quả và triệt để nhất. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội và Bộ LĐ-TBXH-BNV ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội với mong muốn mạng lưới CTXH được bao phủ rộng khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần đảm bảo hệ thống an sinh xã hội.
PV: Bạn có thể cho biết một vài suy nghĩ của bản thân về môi trường trường ĐHKH, nơi bạn đã gắn bó suốt 4 năm ĐH?
Thực sự, bản thân em cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được học tập tại ngôi trường ĐH Khoa học thân yêu này. Có thể, với nhiều người, cái tên trường" Khoa học" vẫn còn chút xa lạ, bỡ ngỡ, nhưng với em, cái tên đó, "con người" đó luôn là một phần kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong trái tim em. Bởi chính từ nơi đây, sân trường này, lớp học này, em đã thấm vào mình từng con chữ, từng bài học - những "Đứa con tinh thần" của các thầy, các cô đã và đang ngày đêm cặm cụi bên những trang giáo án để sớm mai lên bục giảng..... Lần lại những bức ảnh thực tế, thực tập, rồi kỷ yếu... vẫn nguyên vẹn khuôn mặt rạng rỡ của thầy, của cô khi thấy các trò tốt nghiệp, trưởng thành, vẫn vẹn nguyên bao mẩu giấy hỏi bài, nói chuyện phiếm.... của các bạn cùng lớp....Nhưng giờ đây, khi đã rời xa mái trường, e chỉ mong sao thầy cô luôn thật nhiều sức khỏe, nhiệt huyết căng tràn để truyền nhựa sống cho bao lớp lớp sinh viên chúng em...
PV: Trường ĐHKH là trường duy nhất ở TN đào tạo về ngành CTXH, sau 4 năm theo học tại đây bạn có đánh giá thế nào về quá trình đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của trường?
Ngành CTXH tại trường ĐH Khoa học là một ngành mới và duy nhất ở TN hiện nay. Tuy chỉ mới 2 khóa sinh viên tốt nghiệp nhưng cũng phản ánh phần nào về chất lượng cũng như quá trình đào tạo sinh viên của trường. Hầu hết, số lượng sinh viên ra trường đều có việc làm, dù một số ít làm việc chưa đúng chuyên ngành đã theo học.
Áp dụng hình thức học theo tín chỉ, ban đầu, cả thầy cô, trò đều có những bỡ ngỡ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực từ phía BGH nhà trường cũng như sự tận tâm của các thầy cô giáo, sự say mê học hỏi từ các bạn sinh viên, việc học đã dần trở nên ổn định và ngày càng nhiều bạn đạt được thành tích cao hơn so với cách học truyền thống.....
Các giảng viên hầu hết đạt từ trình độ Thạc sỹ trở lên, đặc biệt, trường ta vinh dự có cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn - phó Hiệu trưởng nhà trường trở thành nữ GS Toán học thứ hai của Việt Nam. Đây là một niềm tự hào vô cùng to lớn đối với những ai đã và đang công tác, học tập tại ngôi trường Khoa học này....
PV: Bạn có thể dành cho các em sv CTXH khóa sau của trường một vài lời khuyên khi quyết định lựa chọn nghề CTXH?
Đất nước Việt Nam yêu dấu đang rất cần những NV CTXH như các em. Chính vì vậy, lựa chọn nghề CTXH và lựa chọn học tập tại ngôi trường ĐH Khoa học - Đó là một quyết định đúng đắn của các em sau khi rời ghế THPT....
PV: Cảm ơn những lời chia sẻ rất chân thành và thẳng thẳn của bạn. Chúc bạn sẽ đạt được thật nhiều thành công và may mắn trong cuộc sống.
Ngọc Mai