Sinh viên đại học có nên học trước chương trình đào tạo thạc sĩ?

      GDVN - "Nếu sinh viên biết cách sắp xếp và học tốt, sau 5 năm có thể nhận 2 tấm bằng, gồm bằng đại học và bằng thạc sĩ”, Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn nhận định.

      Trong thông báo tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, đơn vị này cho phép sinh viên được học trước một số tín chỉ trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ.

      Trước Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, một số cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam cũng đã thực hiện cơ chế này.

Sinh viên học chương trình thạc sĩ liệu có quá sức?

62d7cbcba5fa09a450eb.jpg

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

       Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2023, nhà trường ban hành hành Thông báo 992/TB-ĐHCN ngày 03/10/2023 về việc sinh viên đăng ký học trước học phần trình độ thạc sĩ.

      Nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc nghiên cứu quy định, xây dựng quy trình và khảo sát ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là nhu cầu của người học.

      Dựa trên những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và khả năng sinh viên có thể hoàn thành chương trình đào tạo đại học, cũng như chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy chế hiện hành, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã có những yêu cầu cụ thể cho những sinh viên có mong muốn đăng ký học trước một số học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, được công khai trong thông báo tuyển sinh”.

      Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ 17 ngành/chuyên ngành (bao gồm cả chương trình định hướng ứng dụng và chương trình định hướng nghiên cứu); riêng ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh được tuyển sinh cả ở Phân hiệu Quảng Ngãi.

      Hiện tại, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và kiểm soát chất lượng, nhà trường mới chỉ triển khai cơ chế này cho sinh viên trong trường.

      “Chương trình này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các sinh viên có định hướng tiếp tục học tập nâng cao lên trình độ thạc sĩ. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có mong muốn tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các dự án mà bậc đại học chưa thể thực hiện.

      Sau khi tốt nghiệp đại học với 15 tín chỉ học phần thạc sĩ đã học trước, sinh viên có thể nộp hồ sơ xét tuyển để tiếp tục học và hoàn thành chương trình thạc sĩ. Nhà trường sẽ có những chính sách ưu tiên xét tuyển cho chương trình chuyển tiếp này. Nếu sinh viên biết cách sắp xếp và học tốt, sau 5 năm có thể nhận 2 tấm bằng, gồm bằng đại học và bằng thạc sĩ” – Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn nhận định.

      Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh còn cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là định hướng và kế hoạch học tập của sinh viên.

 

       Trong quá trình này, nhà trường cũng có đội ngũ giảng viên chủ nhiệm và cán bộ hỗ trợ tư vấn cho sinh viên có lộ trình học phù hợp, và những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân và thuận lợi chuyển tiếp học phần còn lại của chương trình đào tạo thạc sĩ.

      Sinh viên cũng được định hướng để phát triển khóa luận tốt nghiệp đại học lên thành các chuyên đề và đề án bậc thạc sĩ.

abf929d3cde561bb38f4.jpg

      Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chính sách học bổng khuyến khích học tập ở trình độ thạc sĩ. Ảnh: NTCC

      “Nhà trường cũng triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập thông qua những chính sách học bổng khuyến khích học tập ở trình độ thạc sĩ.

      Đối với sinh viên giỏi, xuất sắc được miễn 100% học phí kỳ đầu tiên khi trúng tuyển nhập học chương trình đào tạo thạc sĩ; Đối với cựu sinh viên của trường sẽ được giảm 15% học phí chương trình đào tạo thạc sĩ; Còn đối với sinh viên năm cuối bậc đại học đăng ký học trước các học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ được giảm 15% học phí.

      Sinh viên cũng có cơ hội tham gia trao đổi sinh viên với các trường đại học có uy tín trên thế giới hiện đang là đối tác đã ký Bản ghi nhớ với nhà trường về nội dung này” – Tiến sĩ Sơn thông tin thêm.

       Trước Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm mô hình đào tạo liên thông trình độ đại học - thạc sĩ, cho phép sinh viên từ năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp ở bậc thạc sĩ tương ứng.

       Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên trình độ thạc sĩ từ năm 2019 này.

z5263194600130_719f3a60b1a1f095dcc9ffd2d810aa11.jpg

        Quyết định ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông trình độ đại học lên thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

        Ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình học liên thông lên trình độ thạc sĩ này được triển khai bắt đầu từ năm 2020 với 9 ngành (gồm ngành: Công tác xã hội, Lịch sử Việt Nam, Lý luận và Phương pháp dạy học tiếng Anh, Lý luận Văn học, Ngôn ngữ học, Quan hệ quốc tế, Quản lý giáo dục, Văn học Việt Nam và Việt Nam học).

z5252019681728_07fe056b5d022cba05f82f2839dbe4ad.jpg

Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

      Trao đổi với phóng viên, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc rút ngắn thời gian học tập so với tổng thời gian đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng; mục tiêu của chương trình này còn là thu hút sinh viên khá, giỏi tiếp tục phát huy năng lực học tập và nghiên cứu với chương trình đào tạo tích hợp cả 2 bậc đào tạo, nhằm tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

      Chia sẻ thêm về việc liệu học cùng lúc 2 chương trình đào tạo ở 2 cấp bậc khác nhau có phải là quá sức với sinh viên hay không, vị đại diện trường này cho rằng: “Việc thiết kế, tổ chức chương trình đào tạo dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính logic, kế thừa, phát triển và đáp ứng nhu cầu trong quá trình học tập của sinh viên.

       Trong đào tạo theo tín chỉ, người học chủ động lựa chọn môn học, xây dựng kế hoạch học tập, cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ cố vấn học tập giúp các em không tự tạo áp lực. Ví dụ, người học được định hướng về số lượng học phần trước và sau khi tốt nghiệp đại học của chương trình; và thông tin về các điều kiện cần thiết.

      Hiện tại chương trình đào tạo liên thông đại học – thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng mới chỉ triển khai cho sinh viên thuộc khối Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhà trường cũng chưa triển khai chính sách này cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học khác.

      Bởi theo đánh giá, chương trình đào tạo liên thông đại học – thạc sĩ là sự kết hợp chương trình đào tạo ở cả 2 bậc đại học và sau đại học, để đảm bảo người học có thể hoàn thành tối thiểu 180 tín chỉ.

       Sự khác biệt trong chương trình, kế hoạch đào tạo, chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học khác dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng, lồng ghép chương trình đào tạo sao cho phù hợp ở bậc sau đại học mà đơn vị này đang đào tạo.

Sinh viên học trước chương trình đào tạo thạc sĩ cần đáp ứng những tiêu chí gì?

z5251989343412_51cc60c3faaa369267d0b5478ae6bc28.jpg

      Thông báo về việc sinh viên đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

      Theo thông báo đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc là sinh viên của trường, điều kiện quy định để sinh viên đại học được học trước những tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ là phải hoàn thành xong 75% chương trình học; học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên.

      Đồng thời, sinh viên chỉ được đăng ký học trước không quá 15 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ.

       Còn với sinh viên trong khối Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, bắt đầu từ năm thứ 3, thứ 4, sinh viên có thể học liên thông lên trình độ thạc sĩ nếu đáp ứng những điều kiện sau:

      Đã tích lũy tối thiểu 50% số tín chỉ của chương trình đào tạo đại học của ngành học phù hợp và ngành đào tạo liên thông trình độ đại học – thạc sĩ; có điểm trung bình tích lũy đến thời điểm xét tuyển đạt loại khá trở lên (từ 7.0 trở lên theo thang điểm 10). Tại thời điểm xét tuyển, số tín chỉ hoặc học phần tích lũy của sinh viên phải đảm bảo khối lượng học tập theo quy định hiện hành.

      Sinh viên là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ (theo quy định của tạp chí hoặc hội nghị) của 1 bài báo khoa học được chấp nhận công bố hoặc được công bố trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science (WoS)/Scopus, hoặc danh mục do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quy định, hoặc sinh viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, hoặc sinh viên đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka.

       Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, trường đã tuyển sinh được nhiều khóa sinh viên theo học chương trình liên thông đại học – thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, một số sinh viên vẫn tiếp tục đăng ký học theo chương trình cao học, nhưng cũng có sinh viên tạm ngưng theo học vì những lý do cá nhân.

      Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía sinh viên và giảng viên. Trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì và xây dựng thêm chương trình liên thông đại học – thạc sĩ cho các ngành đào tạo mới đã được kiểm định chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người học”.

      Trao đổi về việc sinh viên đại học được học trước một số học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới, tùy vào Luật Giáo dục của từng quốc gia, mà quốc gia đó có cho phép người học được học song song/ học trước một số học phần thuộc các chương trình đào tạo ở những cấp học khác nhau hay không.

 
z5252011338980_ed681231465af7dd25cc045832901ff7.jpg

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi

      “Ở Việt Nam, mặc dù pháp luật không cấm, nhưng thông thường, việc chuyển tiếp giữa các cấp học phải theo đúng trình tự, lần lượt hoàn thành chương trình từ thấp rồi mới được học lên cao.

      Hiện nay, trong quy định đầu vào tuyển sinh thạc sĩ đều quy định người học phải có bằng tốt nghiệp đại học theo đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành đào tạo. Đây là điều kiện tiên quyết. Vì thế, câu hỏi đặt ra là “chưa học hết cử nhân thì liệu người học có tiếp thu được hết kiến thức trong những học phần đào tạo thạc sĩ hay không?”.

       Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta không nên cấm hoàn toàn cơ chế này, bởi không thể hạn chế cứng nhắc năng lực của những người học có khả năng đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên khuyến khích, để điều này trở thành đại trà.

      Thay vào đó, chúng ta nên có những sự đánh giá hợp lý, nếu người học thực sự có tài năng, đạt thành tích học tập xuất sắc thì nên tạo điều kiện để họ được học tập, nghiên cứu với tiến độ riêng theo hướng nâng cao hoặc chuyên sâu hơn” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

      Việc đăng ký học trước chương trình đào tạo thạc sĩ đối với sinh viên đại học được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT như sau:

      Sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.

<https://giaoduc.net.vn/>