Thực tập tốt nghiệp - Sợi dây gắn kết giữa lý luận và thực tiễn
Với phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, thực tập tốt nghiệp đã trở thành nội dung học tập quan trọng đối với sinh viên năm cuối. Đây là cơ hội giúp các em vận dụng những kiến thức đã được trang bị khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào thực tế; rèn luyện tác phong làm việc, thích nghi môi trường xã hội và trau dồi những kĩ năng mềm cần thiết cho mục tiêu nghề nghiệp sau khi ra trường.
Thực tế với sinh viên năm thứ 4 ngành cử nhân Khoa học quản lý K11, Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên, sau khi kết thúc 2/3 chương trình học là thời điểm các em chuẩn bị hành trang bước vào môi trường thực tập tại cơ sở. Theo kế hoạch đào tạo năm học 2016 – 2017 của Nhà trường, 117 sinh viên ngành cử nhân KHQL K11 sẽ thực tập tốt nghiệp trong 8 tuần (từ ngày 20/1/2017 tới ngày 12/3/2017).
Theo số liệu thống kê của Khoa Luật & QLXH, căn cứ vào điều kiện cụ thể của sinh viên, hầu hết các em đều có nguyện vọng trở về địa phương thực tập, đồng thời với lựa chọn địa điểm thực tập tại các cơ sở thuộc địa phương nơi sinh viên cư trú có thể mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp cho các em. Do vậy, địa bàn thực tập của sinh viên KHQL K11 vươn rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, kể cả những tỉnh xa như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Nam Định…
Sinh viên thực tập tại UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Sinh viên thực tập tại UBND huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang
Trong quá trình sinh viên đi thực tập, được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, Chủ nhiệm Khoa Luật và Quản lý xã hội đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn và tổ chức những chuyến kiểm tra đột xuất tại cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi các em đang thực tập để có thể hỗ trợ và theo dõi các em trong suốt quá trình thực tập tại các đơn vị. Bên cạnh đó, ngoài mục đích nắm rõ được tình hình thực tập của từng sinh viên, việc kiểm tra thực tập còn là cơ hội để Khoa và Nhà trường khảo sát và thu thập ý kiến đánh giá từ chính phía những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp - là những đơn vị đã và đang trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ Nhà trường.
Cán bộ kiểm tra thực tập trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Sáng – Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Đại Từ
Kết thúc quá trình theo dõi và kiểm tra thực tập, các biên bản kiểm tra thực tập được tổng hợp từ các giảng viên phụ trách địa bàn. Từ cơ sở dữ liệu và các ý kiến phản hồi của cán bộ hướng dẫn, cơ quan tiếp nhận sinh viên thực tập, Khoa Luật & QLXH sẽ tiếp thu và có sự chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo của sinh viên cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần và đang thiếu.
Trải qua gần 6 tuần thực tập, theo ghi nhận ban đầu từ hoạt động kiểm tra của cán bộ, giảng viên trong Khoa, hầu hết đều nhận được những sự phản ánh, đánh giá hết sức tích cực từ phía cơ quan, đơn vị đối với sinh viên ngành Khoa học quản lý đang thực tập tại cơ quan sở tại. “Các em luôn nhiệt tình, chăm chỉ, ham học hỏi, luôn có tinh thần cầu thị và trách nhiệm trong mọi công việc được giao”, bên cạnh đó, với cách thức tổ chức thực tập của Nhà trường còn nhận được đánh giá cao bởi “sự phù hợp với lĩnh vực đào tạo và năng lực của sinh viên, tạo điều kiện cho các em được trải nghiệm thực tế và trau dồi những kĩ năng mềm cho bản thân” (Chị D.D – chuyên viên phòng Nội vụ, UBND huyện Đại từ nhận xét).
Cán bộ hướng dẫn tại đơn vị nhận xét về sinh viên thực tập
Có thể nói, thực tập tốt nghiệp là một trong những nội dung quan trọng và thiết thực trong đào tạo cử nhân khoa học xã hội nói chung và ngành KHQL nói riêng. Qua đó, sinh viên được thực hành nhiều hơn, kĩ năng mềm của sinh viên được trau dồi và hơn thế nữa, là góp phần tạo dựng được niềm tin đối với cơ quan, đơn vị nhận sinh viên vào thực tập. Đây chính là mục tiêu xuyên suốt của Trường Đại học Khoa học với mong muốn tạo dựng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Minh Trang
(GV Bộ môn KHQL)