Trường Đại học Khoa học tiên phong đào tạo Khoa học Quản lý trong Kỷ nguyên số
Sáng ngày 22/4/2025, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Trường Đại học Khoa học đã tổ chức thành công buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đào tạo ngành Khoa học quản lý trong kỷ nguyên số” tại Hội trường tầng 5 Nhà hiệu bộ. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, giảng viên, học viên và sinh viên ngành Khoa học quản lý (KHQL).
Với mong muốn tạo diễn đàn học thuật trao đổi về các thông tin mới về khoa học quản lý và đào tạo nguồn nhân lực ngành Khoa học quản lý; Tạo cơ hội trao đổi học thuận giữa các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Khoa học quản lý với đội ngũ CBGV của Trường Đại học Khoa học (ĐHKH); Đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác nghiên cứu, đào tạo về Khoa học quản lý và lấy ý kiến các chuyên gia về CTĐT ngành KHQL ở bậc đại học và thạc sĩ, Khoa KHXH&NVđã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đào tạo ngành Khoa học quản lý trong kỷ nguyên số”.
Buổi tọa đàm vinh dự đón tiếp GS.TS. Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc, PGS.TS. Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Đào tạo và Quản lý người học, Đại học Thái Nguyên và PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Về phía Trường Đại học Khoa học có PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa KHXH&NV và đại diện lãnh đạo các phòng ban, khoa chuyên môn cùng Ban lãnh đạo, cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa KHXH&NV.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi về ba vấn đề cốt lõi: phát triển năng lực số của giảng viên ngành KHQL, nhu cầu nhân lực quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và hàm ý cho đổi mới đào tạo đại học, cũng như định hướng phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng và khả năng mở ngành đào tạo tiến sĩ ngành KHQL.
GS.TS. Trần Trung nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc trang bị năng lực số cho đội ngũ giảng viên là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, chương trình đào tạo cần bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của ‘Quốc gia chuyển đổi số’.”
PGS.TS. Nguyễn Danh Nam chia sẻ: “Đại học Thái Nguyên luôn chú trọng đến việc đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội. Buổi tọa đàm này là một bước quan trọng để chúng tôi lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.”
PGS.TS. Lưu Bích Ngọc nhận định: “Việc phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng và tiến tới mở ngành đào tạo tiến sĩ ngành KHQL là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Trường Đại học Khoa học trong việc nâng cao vị thế và đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.”
PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học khẳng định: “Nhà trường cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để Khoa KHXH&NV phát triển ngành Khoa học Quản lý, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của các chuyên gia, giảng viên và sinh viên, ngành KHQL của trường sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.”
Sinh viên Đàm Quốc Quân, sinh viên ngành Khoa học quản lý bày tỏ sự hào hứng sau buổi tọa đàm: “Những chia sẻ của các thầy cô và chuyên gia đã giúp em hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội của ngành trong bối cảnh hiện nay. Em tin rằng, với những đổi mới trong chương trình đào tạo, chúng em sẽ được trang bị tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.”
Có thể nói, buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đào tạo ngành Khoa học quản lý trong kỷ nguyên số” đã làm rõ bối cảnh và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đại học, đặc biệt là với ngành Khoa học quản lý; Phân tích những tác động của kỷ nguyên số đến chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, người học ngành Khoa học quản lý; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình và giải pháp đổi mới đào tạo ngành Khoa học quản lý phù hợp với bối cảnh số hóa và kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, người học để đề xuất kiến nghị, chính sách thúc đẩy đào tạo ngành KHQL trong kỷ nguyên số hiện nay.
Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra không gian trao đổi cởi mở và hiệu quả giữa các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Đây là tiền đề quan trọng để Khoa KHXH&NV – Trường Đại học Khoa học xây dựng chiến lược phát triển ngành Khoa học quản lý một cách mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên số.
Một số hình ảnh:
(Như Quỳnh - Hoàng Nguyên - Báo chí K19)