Kết nối cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Công tác xã hội với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Nằm trong kế hoạch hoạt động Khoa học công nghệ năm 2018, sau khi tổ chức thành công Seminar khoa học “Bạo lực gia đình – Nhận thức và ứng phó” (03/2018), ngày 04/04/2018, đoàn giảng viên và sinh viên khoa Luật và Quản lý xã hội đã có chuyến thăm quan và làm việc thực tế tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) do TS. Lê Thị Ngân – Trưởng Khoa Luật & Quản lý xã hội làm trưởng đoàn, cùng các thầy cô giáo và các em sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội. Đây là một hoạt động nhằm trải nghiệm thực tế công tác phòng chống bạo lực gia đình và mở ra cơ hội hợp tác lâu dài trong các chương trình thực hành, thực tập và việc làm trong tương lai của những sinh viên ngành Công tác xã hội.
Trong kế hoạch làm việc buổi sáng ngày 04/04, đoàn đã được nghe đại diện cán bộ Phòng Tham vấn (Thuộc trung tâm Phụ nữ và Phát triển) giới thiệu tổng quan về các hoạt động của Trung tâm. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) được thành lập ngày 1/7/2002, là đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Điểm đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 60% chi phí, vì vậy bắt đầu từ 2016, Trung tâm đã chuyển sang hoạt động tự chủ. Trong đó nổi bật là mô hình hoạt động gây quỹ ngay trong trung tâm như Peace Coffee, Peace Shop, Phòng Tham vấn, Nhà trẻ Hương Sen và Ngôi nhà bình yên.
Một trong những mô hình hoạt động thành công, thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Trung tâm đã xây dựng được chính là mô hình “Ngôi nhà bình yên” (hay còn gọi là nhà tạm lánh). Những thân chủ là phụ nữ bị bạo lực gia đình sau khi tiếp nhận và đánh giá nguy cơ tại phòng tham vấn, nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển đến Ngôi nhà bình yên. Họ đến với phòng tham vấn khi những bế tắc, khó khăn trong cuộc sống gần như dồn ép họ đến bước đường cùng, thậm chí có những thân chủ đến với phòng tham vấn khi đã bị bạo lực đến mức nguy hiểm tính mạng. Điều quan trọng hàng đầu và cũng là mục tiêu hoạt động của Ngôi nhà bình yên chính là “Sự an toàn cho thân chủ”. Do vậy, địa chỉ của Nhà bình yên hoàn toàn được giữ bí mật và thậm chí là thay đổi thường xuyên để tránh trường hợp người nhà của các chị em tìm đến đe dọa, gây rối.
Trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian, nhưng đoàn giảng viên và sinh viên đã được trải nghiệm thực tế những mô hình hoạt động, cách thức tổ chức của trung tâm và đặc biệt là hoạt động của Ngôi nhà bình yên trong việc hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực và phụ nữ bị buôn bán. Tại đây, chúng tôi cũng được lắng nghe những chia sẻ của cán bộ trung tâm – những người can thiệp trực tiếp với thân chủ về tầm quan trọng và vị trí cần thiết của nghề Công tác xã hội trong tương lai, không chỉ đối với những đối tượng là trẻ em, phụ nữ bị bạo lực hay bị buôn bán, mà Công tác xã hội thực sự là một nghề nhân văn trong xã hội. Qua buổi làm việc, đoàn cũng nhận được sự nhất trí của Trung tâm Phụ nữ và phát triển về việc tiếp nhận sinh viên Công tác xã hội về thực tế thực tập và cơ hội cộng tác nghề nghiệp lâu dài tại Trung tâm.
Chuyến tham quan mô hình hoạt động Ngôi nhà bình yên đã kết thúc tốt đẹp, mỗi thành viên đoàn đều đã nhận được những kinh nghiệm thực tế quý báu, được trải nghiệm về nghề Công tác xã hội và sự cần thiết nhân rộng mô hình hoạt động của Ngôi nhà bình yên trong tương lai không xa.
Một số hình ảnh hoạt động của đoàn tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
( Tin và ảnh: Hồng Trâm - GV bộ môn CTXH)