NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI – NHU CẦU VIỆC LÀM CAO, CƠ HỘI PHÁT TRIỂN RỘNG MỞ

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp với nhiều vấn đề về tâm lý, gia đình, học đường, người yếu thế, và an sinh xã hội, ngành Công tác xã hội đang trở thành một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cấp thiết tại Việt Nam.

Nhu cầu nhân lực ngành Công tác xã hội tại Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, hiện Việt Nam có trên 400.000 người đang làm việc trong lĩnh vực trợ giúp xã hội nhưng chỉ khoảng 10–15% được đào tạo bài bản về công tác xã hội. Điều này tạo ra khoảng trống lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nhất là trong các lĩnh vực:

  • Tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt ở bậc phổ thông;
  • Hỗ trợ các nhóm đối tượng xã hội có nhu cầu bảo trợ;
  • Công tác xã hội trong bệnh viện, tòa án, trại giam, tổ chức xã hội;
  • Phát triển cộng đồng, các dự án NGOs, tổ chức phi chính phủ;

Đến năm 2030, ước tính Việt Nam cần trên 60.000 nhân lực công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hệ thống an sinh xã hội hiện đại.

Cơ hội việc làm mở rộng trong khu vực công và tư

Với trình độ chuyên môn ngành Công tác xã hội, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại:

  • Trường học (tư vấn học đường, quản lý công tác xã hội học đường);
  • Bệnh viện (tư vấn bệnh nhân, chăm sóc tâm lý – xã hội);
  • Trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc người yếu thế;
  • Tòa án, công an, viện kiểm sát;
  • Các tổ chức phi chính phủ (NGO, UNDP, Save the Children, VVOB...)
  • Trung tâm phát triển cộng đồng, viện nghiên cứu, dự án xã hội...

Chính sách mới tạo điều kiện vào biên chế cho sinh viên ngành CTXH

- Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành mã số, tiêu chuẩn chức danh và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có đủ điều kiện tham gia tuyển dụng vào vị trí viên chức trong trường học công lập, được xếp lương theo ngạch viên chức, mở ra cánh cửa vào biên chế rõ ràng. Đây là một dấu mốc quan trọng, cho thấy Nhà nước đã công nhận và đẩy mạnh vai trò của Công tác xã hội trong hệ thống giáo dục, đồng thời tạo động lực học tập và cơ hội nghề nghiệp lâu dài cho sinh viên.

- Thông tư 51/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về thực hiện công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo nội dung Thông tư 51, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí nguồn lực để thực hiện dịch vụ công tác xã hội theo quy định, trong đó về nhân lực phải bảo đảm nguyên tắc mỗi khoa, phòng, đơn vị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công tối thiểu một nhân viên là đầu mối tổ chức triển khai hoạt động công tác xã hội của khoa, phòng, đơn vị. Căn cứ nhu cầu công việc, điều kiện và tình hình thực tế, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện một trong các mô hình công tác xã hội sau đây:

a) Tổ Công tác xã hội;

b) Phòng Công tác xã hội;

c) Trung tâm Công tác xã hội.

Định hướng phát triển ngành CTXH đến năm 2030

Chiến lược quốc gia phát triển nghề Công tác xã hội đến năm 2030 đặt mục tiêu:

  • Chuẩn hóa đội ngũ nhân lực CTXH tại tất cả các cấp
  • Đưa CTXH trở thành ngành nghề chuyên nghiệp, có hệ thống đào tạo và hành nghề thống nhất
  • Phổ cập CTXH trong y tế, giáo dục, cộng đồng, tư pháp và môi trường mạnh

 

 Học ngành Công tác xã hội – Lựa chọn đúng đắn cho những người muốn cống hiến

Không chỉ là ngành học, Công tác xã hội là một sứ mệnh nhân văn, góp phần xây dựng xã hội công bằng, yêu thương và phát triển bền vững. Với nhu cầu nhân lực lớn, môi trường làm việc đa dạng và chính sách đãi ngộ ngày càng hoàn thiện, đây chính là ngành nghề của tương lai cho các bạn trẻ yêu thích công việc vì con người và cộng đồng.

Tạ Thị Thảo - Bộ môn Công tác xã hội