Tọa đàm: Công tác xã hội trong hoạt động tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy - lý luận và thực tiễn

Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) thì vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng ma túy đá (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á.

Hiện nay Việt Nam chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Kết quả này được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố nên không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng nó cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn ngành công tác xã hội (CTXH) về lĩnh vực hỗ trợ tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy và tăng cường hợp tác với các đơn vị liên kết trên địa bàn, được sự ủng hộ của BGH Trường Đại học Khoa học, ngày 16/10/2018,  Khoa Luật & Quản lý xã hội đã kết nối với Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên (gọi tắt là Cơ sở) tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Công tác xã hội trong hoạt động tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy – Lý luận và thực tiễn”  tại Hội trường Khu điều hành của Cơ sở với sự tham gia đông đảo của các cán bộ, các thầy cô giáo của hai đơn vị và các em sinh viên chuyên ngành CTXH đang thực hành mô hình Quản lý trường hợp và trị liệu tâm lý nhóm tại cơ sở.

Tham dự chương trình có BSCK1. Lê Đức Hùng – Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên; BSCK1. Nguyễn Văn Khang – Phó GĐ Cơ sở; đ/c Hà Biên Cương – Phó GĐ Cơ sở; đ/c Hoàng Hữu Ánh Tuyết – Phó GĐ Cơ sở và các cán bộ phụ trách các phòng chức năng của đơn vị. Về phía Khoa Luật và Quản lý xã hội – Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên có TS. Lưu Bình Dương – Phó Trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội, ThS. Tạ Thị Thảo – Phó Trưởng bộ môn Công tác xã hội cùng toàn thể các giảng viên của bộ môn CTXH và hơn 70 sinh viên chuyên ngành CTXH.

Tọa đàm đã tập trung thảo luận các chủ đề liên quan đến công tác quản lý, điều trị cai nghiện; cập nhật các kiến thức về ma túy và nghiện ma túy trong bối cảnh gia tăng các chất gây nghiện hiện nay; các vấn đề về luật pháp, chính sách phòng, chống ma túy ở Việt Nam và quá trình thực thi; vai trò của Công tác xã hội trong việc tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện trong và sau quá trình cai nghiện, vai trò của các liệu pháp tâm lý trong phòng chống tái nghiện.

 Mở đầu buổi Tọa đàm, BSCK1 Nguyễn Văn Khang đã có báo cáo đề dẫn về “Hệ thống quản lý Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy và các đơn vị sự nghiệp thực hiện về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện”. Báo cáo đã khái quát chung về hệ thống quản lý Nhà nước trong công tác cai nghiện ma túy, đồng thời hướng dẫn nội dung một số văn bản về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện; các Thông tư, hướng dẫn của Bộ lao động thương binh và xã hội, Bộ y tế, Bộ công an;… Qua đó, các tham dự viên tại Tọa đàm đã thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương đối với công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, góp phần từng bước làm giảm số người nghiện, ngăn chặn số người nghiện mới phát sinh. Các cấp, các ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào quần chúng khác nhằm xây dựng môi trường sống lành mạnh, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, ngăn chặn các nguy cơ lôi kéo người cai nghiện sa ngã, tái nghiện.

BSCK1 Nguyễn Văn Khang - Phó giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên trình bày báo cáo tại buổi tạo đàm

Ngay sau đó, cô trò Khoa Luật và Quản lý xã hội đã được BSCK1 Lê Đức Hùng cập nhật các kiến thức tổng quan về ma túy và công tác điều trị ma túy qua báo cáo “Kiến thức cơ bản về ma túy, điều trị nghiện ma túy và các hoạt động trợ giúp trong điều trị”. Trong bài trình bày của mình, BS Lê Đức Hùng cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng của các chất gây nghiện, chất ma túy mới hiện nay, tổng quan về người nghiện ma túy, mô hình tương tác về sử dụng chất gây nghiện và các biện pháp can thiệp. Từ thực tế đó, theo BS Hùng, khi xây dựng chính sách đối với người sử dụng, người nghiện ma túy, không chỉ xem trọng khía cạnh y tế mà cần cân nhắc trọng tâm là các khía cạnh tâm lý - xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện.

BSCK1 Lê Đức Hùng – Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên trình bày báo cáo tại buổi tạo đàm

Tham dự buổi tọa đàm, TS. Lưu Bình Dương – Trưởng Bộ môn Luật, Phó Trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã có báo cáo trình bày về “Luật pháp, chính sách phòng, chống ma túy ở Việt Nam”. Theo TS. Lưu Bình Dương, công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác điều trị nghiện cho người nghiện ma túy nói riêng trong những năm qua được Đảng, Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thực hiện và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, do tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, bản chất vấn đề nghiện ma túy và một số nguyên nhân khách quan khác nên tình hình ma túy ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong báo cáo này, diễn giả  đã tập trung đánh giá quá trình thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy; kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy thuộc nhiệm vụ quản lý của các Bộ, ngành.  Đồng thời TS cũng giới thiệu tóm tắt chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy; trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách với người sử dụng ma túy...

TS. Lưu Bình Dương - Phó Trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên báo cáo tại Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả và các tham dự viên đã có cơ hội trao đổi chuyên môn về công tác điều trị và hỗ trợ điều trị trong và sau cai nghiện ma túy. BSCK1 Lê Đức Hùng đã nhấn mạnh rằng nghiện là bệnh mãn tính của não bộ, do vậy việc tái sử dụng lại ma túy là rất cao. Tái sử dụng ma túy được hiểu là quay lại sử dụng ma túy trong một thời gian rất ngắn, thường chỉ là một lần. Tái sử dụng rất dễ xảy ra nhưng không phải lúc nào cũng dẫn đến tái nghiện. Hiện tượng tái nghiện thách thức sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề nghiện, cai nghiện ma túy cũng như khả năng giải quyết vấn đề này. Tái nghiện phổ biến đến mức bị coi là hiện tượng luôn xảy ra thường xuyên trong quá trình cai nghiện. Vì vậy, sau quá trình cắt cơn, giải độc thì việc sử dụng nhiều mô hình điều trị, đặc biệt là các liệu pháp tâm lý trị liệu để phòng chống và dự phòng tái nghiện là rất cần thiết. Về chủ đề này, BSCK1 Lê Đức Hùng cũng đã có bài trình bày về “Công tác tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện trong và sau quá trình cai nghiện – Vai trò của Công tác xã hội trong hỗ trợ điều trị và việc sử dụng các liệu pháp tâm lý trong phòng chống tái nghiện”. Bài trình bày nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tham dự viên.

BSCK1 Lê Đức Hùng – Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên trình bày báo cáo tại buổi tạo đàm

Kết thúc buổi Tọa đàm, TS. Lưu Bình Dương – Phó Trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc và các cán bộ viên chức của Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho Khoa tổ chức thành công buổi Tọa đàm, giúp các thầy cô giáo và các em sinh viên chuyên ngành CTXH nâng cao kiến thức của mình về ma túy, công tác điều trị cai nghiện và phục hồi cho người sau cai, từ đó các em sinh viên có đủ kiến thức cơ bản để thưc hành mô hình quản lý trường hợp với người cai nghiện và ứng dụng mô hình CTXH nhóm trong trị liệu tâm lý người nghiện, đồng thời cảm ơn Cơ sở đã tạo thuận lợi cho sinh viên chuyên ngành CTXH của Khoa được thực hành, thực tế về mô hình quản lý trường hợp và trị liệu tâm lý nhóm cho người cai nghiện ma túy tại Cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và Nhà trường.

Một số hình ảnh về buổi Tọa đàm:

Các cán bộ Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy đang tập trung thảo luận tại Tọa đàm

Một số tiết mục giao lưu giữa giờ thảo luận do các em sinh viên lớp CTXH K13. CTXH K14 chuẩn bị

Tiết mục ấn tượng song ca “Câu đợi câu chờ” của TS Lưu Bình Dương và sinh viên Lường Minh Huệ - Lớp CTXH K13 trong phút giải lao

Nhóm giảng viên bộ môn CTXH tham dự buổi trị liệu tâm lý nhóm theo phương pháp DayTop (của Mỹ) - một liệu pháp điều trị ma tuý không dùng thuốc.